Chị Nguyễn Thị Thảo (ngụ tỉnh Đồng Tháp) cho biết, trong những năm qua, chị nhận thấy sự "thay da đổi thịt" về hạ tầng giao thông ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Những con đường, cây cầu lần lượt được hoàn thành, đưa vào sử dụng đã giúp cho việc đi lại của người dân trở nên dễ dàng, thuận tiện hơn. "Nhờ có cầu, đường cao tốc mà thời gian đi lại từ Đồng Tháp đến các tỉnh, thành trong vùng cũng như TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai được rút ngắn hơn trước rất nhiều. Hy vọng sắp tới sẽ có thêm những tuyến đường cao tốc tiếp tục được triển khai thực hiện để kết nối các tỉnh", chị Thảo chia sẻ.
Thực tế, trong hơn 10 năm qua, đã có nhiều cây cầu với số vốn đầu tư lên đến hàng ngàn tỷ đồng, trong đó có cầu dây văng bắc qua những con sông lớn đã được khánh thành tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Trong đó, có thể kể đến cầu Vàm Cống nối liền đôi bờ sông Hậu giữa TP.Cần Thơ và tỉnh Đồng Tháp, có tổng mức đầu tư gần 5.700 tỷ đồng. Cầu Vàm Cống nằm trong trục giao thông xuyên vùng Đồng Tháp Mười, kết nối với TP.HCM qua Long An, Đồng Tháp, Kiên Giang, góp phần thu hút đầu tư, đem lại động lực phát triển của các tỉnh trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Theo Bộ Giao thông Vận tải, thời gian qua, Chính phủ đã tập trung nhiều nguồn lực để phát triển giao thông vận tải của vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm trong vùng, tính đến thời điểm hiện tại, đã hoàn thành cầu Cao Lãnh, cầu Vàm Cống, đường kết nối trung tâm Đồng bằng sông Cửu Long (nối Cao Lãnh - Rạng Sỏi) để hình thành một trục mới từ Cao Lãnh đến Kiên Giang, đem lại thế mạnh cho vùng và tạo điều kiện để phát triển kinh tế. Cùng với đó, Chính phủ cũng dành gần 5.000 tỷ đầu tư công để khởi công 3 gói thầu từ Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ. Riêng cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ sẽ được hoàn thành trong năm 2022. Ngoài ra, Bộ Giao thông Vận tải có một số dự án như xây dựng cao tốc nối TP. Cà Mau - Cần Thơ và cao tốc nối Châu Đốc - Long Xuyên - Cần Thơ và Sóc Trăng.
Việc giao thông, cơ sở hạ tầng từng bước phát triển đã góp phần tạo điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế-xã hội, thúc đẩy quá trình đô thị hóa toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, vùng vẫn là nơi có hạ tầng giao thông phát triển chậm, chưa tương xướng với tiềm năng và chưa khơi dậy được động lực để tạo đột phá về kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội.
Bà Mai Thị Liên Hương, Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng), cho biết, công tác quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long, quy hoạch cấp địa phương muốn đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu phải tính toán cho một giai đoạn dài hạn. Trong đó, vấn đề nâng cao chất lượng quy hoạch cần phải được ưu tiên hàng đầu, bảo đảm tính đồng bộ chung của hệ thống hạ tầng toàn vùng và hạ tầng các đô thị ở từng địa phương.
Đặc biệt, với phần lớn là hệ thống giao thông đường thủy, nhiều chuyên gia cho rằng vùng Đồng bằng sông Cửu Long cần có các giải pháp trữ nước, bảo vệ nguồn nước, đảm bảo an toàn nguồn nước cho toàn vùng. Trong đó, việc nghiên cứu, thực hiện các giải pháp quy hoạch cấp nước, thoát nước, xử lý nước thải, rác thải đô thị và nông thôn phù hợp với định hướng quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long cần được triển khai trước một bước. Đồng thời, các cơ quan quản lý nhà nước cũng cần nâng cao năng lực, chất lượng quản lý, giám sát tiến độ, hiệu quả và chất lượng quy hoạch hạ tầng đô thị, kỹ thuật toàn vùng, chống thất thoát, lãng phí trong quá trình triển khai.
Việc phát triển, tăng tốc độ đô thị hóa tại Đồng bằng sông Cửu Long trong thời gian tới được kỳ vọng sẽ hình thành nhiều trung tâm kinh tế - xã hội điển hình. Bên cạnh đó, một trong các giải pháp lâu dài là kết nối liên kết vùng Đồng bằng sông Cửu Long với TP.HCM, thị trường tiêu thụ lớn nhất cả nước, để từ đó giúp vùng đất "Chín Rồng" ngày càng phát triển, đúng với những tiềm năng, nguồn lực sẵn có.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn