Mới đây, trong chương trình Chuyến xe thời gian, Cát Phượng đã có nhiều chia sẻ gây bất ngờ về cuộc đời mình, trong đó cô thổ lộ về khoảng thời gian khó khăn khi mới vào nghề và cuộc sống hiện tại. Đặc biệt, nữ nghệ sĩ cũng nhắc đến chồng cũ Thái Hòa và cậu con trai Bom.
Khi rút thăm trúng câu hỏi về lần đầu làm mẹ, Cát Phượng dí dỏm nói: "Lần đầu làm mẹ thì trả lời được chứ lần đầu làm vợ thì hơi khó".
Cát Phượng chia sẻ trên truyền hình.
Mối quan hệ hiện tại với chồng cũ, trầy trụa làm mẹ đơn thân
Lần đầu làm mẹ của tôi cũng giống như bao người phụ nữ khác thôi. Cũng rất trầy trụa, lại làm mẹ đơn thân nữa. Tôi đẻ thằng Bom lúc 34 tuổi, 37 tuổi thì ly dị, tôi bắt đầu một mình nuôi con.
Đến nay, tôi vẫn vừa làm cha vừa làm mẹ nhưng nay thì được một cái là ông Hòa (Thái Hòa - chồng cũ) cũng qua. Có cái gì tôi hay nói với ổng, ổng chỉ dạy thằng Bom phụ tôi. Tôi với Hòa rất là ok, không có gì cả .
Cô tiết lộ mối quan hệ với chồng cũ - Thái Hòa giờ tốt đẹp.
Không phải làm mẹ rồi tôi mới thấu hiểu lòng mẹ, không lòng mẹ cũng thấu hiểu được vậy. Nói về gia đình, tôi nhiều cảm xúc lắm, tôi không muốn nhắc tới. Nhắc tới gia đình là tôi buồn, tôi khóc vì tôi quá thương. Khi tôi khóc, tôi không muốn ai nhìn thấy giọt nước mắt của tôi.
Lúc ly dị rồi, tôi diễn bên sân khấu Phú Nhuận, lúc đó vẫn diễn chung với anh Hòa vở Bỉ Vỏ, vai Tám Bính. Lúc diễn cảnh khóc, tôi dồn hết cảm xúc ở ngoài đời vào nhân vật, khóc cho đã. Khóc cho nhân vật mà giống như bữa giờ mình chưa được khóc cho riêng mình. Tôi không muốn ai thấy giọt nước mắt của mình nên mình mượn nhân vật để được khóc. Không thì tôi hay khóc một mình, không ai thấy được.
Con trai Cát Phượng đã thành chàng trai cao lớn.
Hiện giờ thằng Bom 17 tuổi rồi, nó cao 1m74-1m75, tôi đứng tới nách nó thôi. Nó kẹp cổ tôi luôn mọi người ơi. Khi mà làm single mom, các bạn biết không, nó rất là khổ cực. Nhưng các bạn muốn làm single mom thì các bạn phải có sự mạnh mẽ, nó mạnh hơn cái chữ "mạnh" mình viết ra luôn.
Có người hỏi "Chị Cát làm sao để vượt qua?" Những lúc mình bần cùng nhất, bế tắc nhất thì mình hãy nhìn con mình thôi. Cứ nhìn nó, tự nhiên mình có động lực! Giờ nó lớn rồi, mình nhìn lại, mình không nghĩ là mình nuôi nó được như vậy luôn. Mình hãnh diện về nó và chính bản thân mình luôn.
Sự cố khiến Cát Phượng không còn muốn xa con, bà nội Bom xỉu ngay tại chỗ
Trước đây lúc Bom còn nhỏ, cho gì ăn đó, đặt đâu nằm đó. Đến khi Bom 9-10 tuổi, tôi bắt đầu bớt chạy show lại. Đến bây giờ tôi bớt hẳn luôn, nói tôi bỏ cũng đúng, không theo nghề nữa cũng không sai. Có nghĩa là cái nào được thì tôi chường cái mặt ra, còn không thì không nhận bất gì việc gì hết. Tôi chuyển qua làm đạo diễn, nhà sản xuất để được gần con hơn.
Lần đầu tiên Bom biết nói là nó kêu tiếng "Ba" chứ không kêu tiếng "Mẹ" vì từ "Ba" dễ kêu hơn. Gần 2 tuổi nó kêu "Mẹ". Tôi nhớ năm 2006, lúc đó tôi ly dị anh Hòa rồi, tôi đi nước ngoài diễn. Lúc đó, Bom bệnh nặng, giác quan tôi linh cảm hình như Bom có chuyện gì không tốt. Tự nhiên, máu mũi tôi chảy ra nhiều, đêm ngủ không được. Tôi thấy lại, gọi điện về cho bà nội Bom, bà khóc nói: "Nó nhập viện rồi con ơi".
Cô kể sự cố của con trai.
Tôi hỏi nó bị gì, bà nội nói dắt nó đi ăn súp cua, trong chén có sót màng trắng của con cua, Bom nuốt xong vướng ở cổ, nó kêu đau. Khi chở vào viện, bác sĩ nói màng vắt ngang ở cổ và phải mổ gắp ra. Người nhà phải ký giấy, ông bà nội không được ký, mẹ thì không có nhà. Lúc đó ông Hòa đang đi đá banh mà chạy về không kịp.
Em của tôi phải ký, em nói: "Trời ơi, thằng bé khóc xót lắm chị". Nó đau, mà gắp phải gây mê, nên cho nó uống sữa, con nít nó đói. Em tôi nói gắp mà bác sĩ không dám thở mạnh nữa, sợ mạnh tay nó lọt xuống sẽ rất nguy hiểm. Gắp ra một cái là bà nội Bom xỉu ngay tại chỗ. Mừng mà lo đủ thứ. Tôi nghe kể, tôi khóc quá trời.
Sự việc làm cô không còn muốn nhận show đi diễn xa.
Nên sau đó, tôi nói với lòng là không có nhận show đi xa. Ly dị ông Hòa rồi, khi bắt đầu quen Tuấn khoảng 2 năm sau, tôi nhận show tỉnh chứ không nhận show nước ngoài nữa. Khi nhận show tỉnh, tôi bỏ con lên xe, cho đi luôn. Cho nó hiểu cảnh chạy show của tôi như thế nào.
Khi diễn thì tôi gửi, nó chạy lon ton, ai cũng thương, coi giùm. Nó thấy tôi lên diễn, nó cũng đứng vỗ tay, không biết có hiểu gì không. Khi diễn, nhìn xuống thấy con, mình yên tâm và thấy vui. Còn đi nước ngoài, nếu như có trường hợp như vậy xảy ra thì làm sao đây? Tôi rất cần tiền nhưng cũng rất bất cần. Lỡ sức khỏe của mình hay mình đi có mệnh hệ gì, hoặc con có vấn đề gì thì mình không hối hận.
Tôi không định hướng cho con theo nghề. Lúc trước con diễn trong liveshow Hoài Linh, nó diễn có duyên lắm, đóng vai ba Hoài Linh lúc nhỏ. Nó nói: "Ủa mẹ, ba Linh có hô đâu, con hô sao con giống ba Linh?" Tôi nói con nít lớn lên nó khác nên nó đồng ý. Liveshow của Tuấn làm, nó cũng nói: "Mẹ cho con làm đi, để có kỷ niệm với chú Tuấn".
Bị cha xiềng lại không cho đi học diễn, "bán máu" để có tiền mua mì gói
Tôi là gái quê lên thành phố năm 20 tuổi. Hồi nhỏ tôi mê nghề này lắm, mười mấy tuổi đã có máu nghệ thuật. Ở quê nấu cơm bằng lò củi nồi đen thui, tôi lấy ra tôi chùi bằng tro và trấu, chùi sáng cái nồi, vừa chùi vừa hát vừa diễn. Cha tôi đứng kế bên, cầm cái dù che và hỏi: "Con có bệnh gì không?", ý là mình khùng á. Tôi hát mà tôi đóng 2 vai luôn.
Cát Phượng hồi trẻ.
Cha tôi phát hiện ra tôi yêu nghệ thuật từ đó nhưng cha đặc biệt không cho tôi theo cái nghề này. Ngày xưa cha tôi làm nghề viết báo, nhà phê bình những phim điện ảnh. Cha tôi hay viết nghề đó "khổ", thậm chí hay dùng từ "xướng ca vô loài". Năm 1988, trường Sân khấu 2 hay xuống các tỉnh để tuyển học sinh, tôi đậu luôn nhưng cha không cho tôi đi học, xiềng tôi lại. Tôi "mở xiềng", nói chơi chứ sao tự mở được! Tôi bảo với cha con không đi theo nghề này nữa đâu. Cha tôi nói: "Trồng trầu, trồng lộn dây tiêu. Con đi hát bội, mẹ liều con hư". Cha không cho đi, tôi buồn, khóc hoài.
Sau đó, cha tôi lên Sài Gòn làm ăn, tôi xin: "Cha cho con lên chơi với cha đi". Thế là cái nghiệp từ đó luôn. Tôi thi vào hệ B là hệ phải đóng tiền. Lúc đó có cả Việt Trinh cùng lớp. Học được 3 tháng, lớp rã luôn. Không ai đóng tiền luôn, lớp nghỉ học. Tôi nói: "Tụi bây học đi, tao kiếm tiền đóng cho". Mà có đóng được đâu, tụi nó đâu có chịu, 1 lớp bao nhiêu đứa, làm gì có tiền để lo.
Cô từng bán máu để có tiền mua mì.
Tôi buồn quá. Hồi đó cha thuê nhà trên Sài Gòn, một lần khi đang khóc, tôi cầm tờ báo của cha và thấy dòng chữ: Trường Sân khấu tuyển sinh. Thế là tôi đăng ký thi và đậu hệ A, được nhận 70 nghìn của nhà trường, lúc đó năm 1990, số tiền đó là "ngon lành" đó. Xong cha tôi nói: "Nghiệp thì thôi, con phải học nhưng nhớ đừng bao giờ làm mất thanh danh của gia đình".
Lúc không có tiền, tôi đi "bán máu" để sống, mua mì gói. Nói "bán máu" thì không đúng mà mình đi hiến máu xong người ta cho 20 nghìn đồng. Lấy 20 nghìn đó mua mì gói để sẵn. Đói quá, mì gói thì ăn sống, ăn chín... rồi sợ muốn chết.
Tết ngồi ăn cơm chan nước tương cùng Quyền Linh, 2 anh em tự cười tự khóc
Sau khi đỗ vào trường, tôi vào ký túc xá ở. Khi tôi bị đuổi học, lý do là nhà trường không cho đi show nhiều. Thời điểm đó là đi quay karaoke và quay mấy vai quần chúng, nhiều lắm. Đi quay để kiếm tiền và học hỏi ngoài đời. Nợ môn nhiều quá, trường không cho học nữa và bắt 1 năm đóng 400 nghìn đồng, thời điểm đó tôi đâu tôi đóng. Hiện tại, tôi vẫn chưa tốt nghiệp, tôi không có bằng!
Bị đuổi, tôi ở "chui" trong ký túc xá. Có hôm 2 anh quản lý ký túc xá nói hôm nay nhà trường kiểm tra ký túc xá, tôi ra quán ngồi đến 6 giờ sáng luôn. Nói cho cô chủ quán nghe, cô cũng thương cho ngồi đó, đưa cho một cái ghế bố để ngủ. Ăn bánh mì không và nước tương, ngồi đó tới sáng. Khuya nhà trường đóng cửa rồi, đâu vô được đâu.
Cát Phượng - Quyền Linh từng vét cơm nguội ăn chung với nhau.
Nhưng ký túc xá rất là vui, nhiều kỷ niệm. Ngày xưa gần Tết, tôi từng cho tiền các bạn để về quê, còn tôi thì không về. Các bạn ấy muốn về hơn tôi nên tôi dành tiền đó của mình cho các bạn. Tôi điện về cho cha mẹ: "Con không về vì con không có tiền", vậy thôi.
Tết ký túc xá "vắng tanh như chùa Bà Đanh". Đêm 30 Tết, anh Quyền Linh không biết ở đâu đi xuống, lúc đó tôi ngồi sân trường. Anh thấy tôi và hỏi: "Ủa Phượng, không về quê hả?" Tôi bảo: "Không, anh cũng không về hả?" Anh nói: "Không, anh đói quá, Phượng còn gì để ăn không?" Anh nói anh còn cơm, tôi nói tôi có nước tương, vô làm chén nước tương. 2 anh em ăn cơm chan nước tương, ăn hết nửa nồi cơm. Ăn xong, 2 anh em tự cười tự khóc.
Ngủ chung với Minh Nhí - Lý Hải, từng làm mất chiếc xe trị giá 7 cây vàng của đàn anh
Minh Nhí là anh em ở chung nhà với tôi. Ngày xưa tôi từng làm mất xe của anh ấy. Ông ấy gom góp tiền cho đã vô, đi mượn để mua xe Dream, lúc đó trị giá 6-7 cây vàng. Một ngày nọ xui, 2 anh em thuê 1 căn nhà, cổng cao lắm, bữa đó mưa lớn, tôi dựng xe trong sân, khóa cổ, không dắt vô nhà. Tôi với anh Minh thuê tầng trên, bên dưới chủ nhà còn cho người khác thuê. Lúc hết mưa đi xuống, anh Minh nói: "Ủa Phượng ơi, xe đâu mất tiêu rồi?"
Lúc đó tội nghiệp anh ấy lắm, hút thuốc liên tục, tay run hết luôn mà ông không nói tiếng nào, đến bây giờ cũng không bao giờ nhắc vụ chiếc xe luôn. Tôi nợ anh ấy một ân tình. Sau vụ mất xe đó, anh ấy mua xe Spacy rồi anh ấy mua nhà luôn. Tôi chọc anh ấy: "Anh muốn mất cái gì nữa không?" Của đi thay người đó!
Cát Phượng - Minh Nhí thân nhau như anh em ruột từ xưa.
Chia sẻ từ Minh Nhí: Nếu mà giận hay buồn, tức thì ngay lúc mất xe là tôi đã giận rồi. Tôi không hề giận hay nhắc lại. Vì ngày xưa tôi, Cát Phượng, Lý Hải và Hữu Bình - 4 người mướn nhà ở chung. Hữu Bình ở Sài Gòn, còn 3 đứa tôi, Cát Phượng, Lý Hải ở miền Tây lên học trường sân khấu. Trong quá trình học thì thương yêu nhau, ở chung như anh em ruột.
Tôi cưng xe lắm, mới mua chiếc xe Dream 7 cây mốt vàng. Cái chung cư 7 cây không mua, đi mua cái xe đó. Anh Hữu Châu còn nói: "Em nên mua nhà, đừng nên mua xe. Năm nay hạn, em mà mua xe là em mất xe đó". Tôi không nghe lời, bây giờ phải nghe lời ông Châu và có nhà từ lúc đó rồi. Mua xe tôi toàn chùm mền không à, lấy xe chạy được có mấy lần.
Cát Phượng từng ngủ chung với Lý Hải, Minh Nhí.
Lúc mất xe, tôi nóng nhưng không chửi Cát Phượng mà bần thần, hút thuốc rồi thả bộ, đi đến tối luôn. Học trò Hồ Văn Ruy phải đi kiếm và thấy ở hồ Con Rùa. Tôi nói nó chở vòng vòng để đi kiếm xe. Nó nghĩ trong bụng, sau này mới nói: "Mất rồi kiếm gì trời?" Nhưng tại vì thương ông thấy nên chở ổng đi cho đỡ buồn.
Tôi không nặng lời với Cát Phượng. Thứ nhất là anh em ở chung với nhau tình cảm. Thứ 2 là Phượng đi quay, đi diễn thì thôi chứ ở nhà là nấu cơm, lo giặt giũ quần áo, mền mùng cho tôi với Lý Hải, thêm Hữu Bình. Bả có đồng nào đâu, tiền đâu mà đền. Tôi coi Cát Phượng giống như em gái ruột, còn Lý Hải như thằng em trai. Tối 3 đứa ngủ chung một mùng, đứa nào về trước là chui vô nằm ngủ.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn