Mehendi Hassan, 8 tuổi, đến từ làng Dona Raninagar, huyện Naogaon, phía bắc Bangladesh được sinh ra khỏe mạnh như bao đứa trẻ khác. Tuy nhiên, khi được 12 ngày tuổi, chân em bắt đầu xuất hiện những nốt phát ban đỏ. Nghĩ rằng con chỉ bị muỗi cắn, nên cha em, anh Abul Kalam Azad, một tài xế xe tải và mẹ em, chị Jahanara Begum, một nhân công tại lò gạch, đã không đưa con đi thăm khám.
Và chỉ 3 tháng sau, bi kịch đã xảy đến. Những nốt phát ban đỏ bắt đầu lan từ gót chân lên khắp bụng, ngực, lưng và tay, sau đó dần trở nên cứng lại, tạo thành các lớp vảy dày và cứng như đá. Chúng khiến Hasan luôn khó khăn trong việc đi lại, mặc quần áo vì mỗi lần chạm vào em đều rất đau đớn.
Không chỉ dừng lại ở đó, dị tật này còn khiến em bị làng xóm, thậm chí ngay cả bà nội quay lưng. Không ai tiếp xúc, không ai chơi cùng, không được đến trường, Hassan phải chịu cảnh sống lầm lũi suốt 8 năm qua và luôn bị coi là kẻ hạ đẳng.
Bé Mehendi Hassan và căn bệnh quái ác. |
Mẹ của em, chị Jahanara ngậm ngùi chia sẻ: “Những trẻ em khác ghét cay ghét đắng thằng bé. Mọi người luôn nói rằng thằng bé bẩn thỉu vì ngoại hình của bé. 8 năm qua, thằng bé luôn phải ở trong nhà vì bất cứ khi nào ra ngoài, dân làng đều tỏ ra sợ hãi và nói những điều tồi tệ với bé. Thằng bé thường khóc vì đau đớn và cả vì đau khổ”.
Không cầm được nước mắt, chị Jahanara giãi bày: “Tôi đã từng xin cho bé đi học nhưng khi đến trường bé đã bị những đứa trẻ khác đánh. Một hôm, khi trở về nhà từ trường, bé đã khóc và nói với tôi rằng bé bị tấn công trong trường học. Sau đó, tôi đã đến trường và yêu cầu giáo viên chú ý hơn và không để ai đánh bé nhưng các giáo viên lại nói rằng họ không thể kỷ luật những đứa trẻ khác và rằng sự hiện diện của con tôi đã làm ảnh hưởng đến việc học của những đứa trẻ khác. Thậm chí, chính các giáo viên cũng giữ khoảng cách khi nói chuyện với con tôi, họ cũng không cho bé ăn hay chơi cùng với những đứa trẻ khác vì vậy bé không có bạn bè và không thể ra ngoài. Thằng bé đã khóc rất nhiều và luôn tự hỏi tại sao mình lại phải đau khổ thế này. Lúc đó, tôi chỉ biết nói với con rằng thánh Allah đã khiến con khác biệt và với ý chí của mình, con vẫn sẽ có thể học tập và sống một cuộc sống khỏe mạnh bình thường”.
Trước tình trạng bệnh lý nghiêm trọng của con trai, cha mẹ Hassan đã đưa em đến khám ở rất nhiều các bác sĩ địa phương khác nhau, nhưng đến nay, mọi nỗ lực chỉ là con số không. Tất cả bác sĩ từng thăm khám cho Hassan đều cho biết trường hợp bệnh tình của em rất nghiêm trọng nhưng họ không chắc chắn về tình trạng và nguyên nhân.
Tiến sĩ Mohammad Emdadul Haque, chuyên gia khoa nhi, cho biết: “Cậu bé ấy là một bệnh nhân bị mắc bệnh da vô cùng hiếm gặp. Thật khó để nói chính xác rằng cậu bé bị mắc bệnh gì”.
Thất vọng và hết sạch chi phí, cha mẹ Hassan đã không còn đưa bé đi khám từ năm ngoái.
Gia đình Hassan đã cạn kiệt tài chính và không thể tiếp tục chữa trị cho em. |
“Chẳng có bác sĩ nào chẩn đoán được bệnh của con trai tôi. Họ đều nói rằng thằng bé mắc phải một căn bệnh da hiếm gặp nhưng chẳng ai có thể cứu chữa. Tôi không còn tiền nữa rồi. Tôi chỉ có thể kiếm được ít tiền từ việc lái xe và tôi đã dành hết cho việc điều trị cho thằng bé. Bất cứ khi nào tôi có thể tiết kiệm được ít thôi, dù chỉ là 10 pound, tôi cũng đưa thằng bé đến bác sĩ. Nhưng cuối cùng, thì tất cả tiền tiết kiệm và thu nhập của tôi đều đã cạn kiệt mà thuốc chữa thì vẫn chưa có. Quá thất vọng, tôi đã dừng việc đưa thằng bé đi khám bác sĩ. Từ năm ngoái đến nay, thằng bé chưa được thăm khám lần nào”, cha Hasan, anh Abul Kalam Azad trải lòng.
Trước tình cảnh khó khăn của gia đình, chị Jahanara chỉ còn biết cầu xin sự trợ giúp từ chính phủ: “Tôi cầu xin chính phủ hãy giúp chúng tôi tìm bác sĩ điều trị cho con trai của chứng tôi, để bé có thể sống như một người bình thường. Tôi đã đấu tranh rất nhiều để nuôi lớn bé. Nhưng mọi người đều ghét thằng bé, không ai muốn nhìn thấy hay ăn trước mặt bé, ngay cả mẹ chồng của tôi cũng vậy. Tôi cầu xin chính phủ hãy giúp con tôi. Thấy con đau đớn như thế này, thực tôi không thể chịu nổi”.