Cậu bé lạ lùng

17:03 | 01/10/2015;
Họ đã chọn cho con trai mình một thứ không thể tìm thấy trong bất kỳ cửa hàng nào, đó là lòng tốt và sự tử tế cùng với lòng tự trọng. Họ đã cho cậu bé món quà lớn nhất là tình yêu.

Tôi vẫn còn nhớ lần đầu gặp thằng bé Willam. Hôm đó, những đứa trẻ mẫu giáo đến lớp ngày đầu tiên. 6 đứa trẻ 4 tuổi lần lượt vào lớp với những chiếc áo màu sắc sặc sỡ, mái tóc được cắt chải gọn gàng, có những bím tóc còn được cột bằng mấy cái nơ nhỏ xinh xắn. Mãi một lúc sau, đứa thứ 7 xuất hiện với kiểu của riêng nó. Đó là William.

Thằng bé mặc một cái áo thun ngắn ngủn màu xám tro chỉ vừa đủ che đến bụng. Trông cái áo như mới được lấy từ trên giá phơi xuống, vẫn chưa được là ủi cẩn thận. Hàng chữ trên ngực áo đã nhạt thếch, nằm giữa những vết bẩn vương vãi trông như vết của rượu vang đỏ hay mù tạt gì đó. William mặc chiếc áo đó với một dáng vẻ tự hào. Còn cái quần jeans của nó thì nhàu nát và mòn rách hết cả hai đầu gối, chứng tỏ tính nghịch ngợm hay ‘lăn lê bò toài’ ngoài trời nắng. Lớp bùn đóng thành mảng trên đôi giày của William chỉ còn chừa một chỗ trống cho người hùng Batman được thêu trên thân giày có thể ngó ra nhìn trời với vẻ bất mãn vô cùng.

Trong khi bọn trẻ còn đang ngơ ngác và lạ lẫm đứng yên một chỗ thì William đã dạn dĩ đi lại săm soi các bức ảnh treo trên tường. Tôi quay nhìn lũ trẻ đang đứng tách riêng ra và xịu mặt như sắp khóc. Sao thằng bé này khác chúng thế nhỉ? Chưa đứa học trò nào lần đầu tiên đến lớp mẫu giáo mà tôi từng gặp giống như William cả. Cả cái cách mặc ấm cũng khác. Mấy cô bé thì đội mũ trùm đầu và mặc áo khoác dày, trong khi mấy cậu bé mặc áo nhung kẻ, mang giày cao và tất len. Tất cả chúng trông đều rất ấm áp trong những bộ đồ của mình, riêng William thì chỉ độc trên người một chiếc áo kiểu Eskimo mỏng màu đỏ, xộc xệch, lại bị hư khóa.

Nhiều tuần trôi qua, William vẫn tiếp tục xuất hiện với mái tóc rối bù, bộ đồ nhăn nhúm mỗi buổi sáng giữa những khuôn mặt sạch sẽ và bụ bẫm của những đứa trẻ khác. Chưa bao giờ bố mẹ William đưa thằng bé đến lớp như những bậc phụ huynh khác. Buổi sáng, nó tới trường trên xe đưa rước học sinh của nhà trường, còn buổi chiều thì thi thoảng có một cô gái đến đón. 

Tôi ước gì thằng bé chịu ngồi yên cho tôi cầm lược chải cái mái tóc quăn bờm xờm vàng cháy kia hoặc đơn giản là được kéo lại cho thẳng cái áo lệch nửa bên này nửa bên kia của nó. Tôi cũng từng mong có thể dành ra một vài tiếng để giặt sạch, rồi tẩy trắng để cái áo của nó trông được sạch sẽ hơn. Tôi vẫn nghĩ rằng bố mẹ của William là những người thiếu quan tâm đến con mình. Họ quả thật vô tâm! Tôi vẫn ao ước một ngày thật đặc biệt nào đó, chiếc áo của William được ủi phẳng phiu và đôi giày mới của nó kêu cót két khi đi qua tấm thảm lót sàn nhà. Không biết bố mẹ của William nghĩ như thế nào, hay là họ chẳng bao giờ nhìn thấy những đứa trẻ con khác bằng tuổi con mình, để biết chúng được chăm chút, quan tâm đến mức nào? Đó là những gì tôi vẫn thầm nghĩ mỗi lần nhìn thấy thằng bé.

***

Một ngày nọ, tôi gặp bố mẹ William tại một siêu thị nhỏ trong thị trấn. Cậu bé lúc đó đang ngồi với tư thế thoải mái trong cái xe hàng của siêu thị, lọt thỏm giữa đống bánh ngọt và mấy thứ đồ hộp đông lạnh.

- A, cô Mary kìa! - William mừng rỡ kêu lên - Tôi nhận thấy trong mắt cậu bé có vẻ ngạc nhiên xen lẫn tự hào khi được giới thiệu cô giáo của mình với bố mẹ.

Mẹ của William khe khẽ chào tôi, chỉnh lại chiếc áo đồng phục trong khi cậu bé nhắc lại tên tôi. Bối rối với đống phiếu mua hàng giảm giá, bà ấy có vẻ cảm thấy khó khăn cho cuộc nói chuyện này. Hai tay bà đặt lên vai William khi nói chuyện và thỉnh thoảng bà lại vuốt vuốt mớ tóc bờm xờm trên đầu thằng bé hoặc phủi đi những mẩu bánh vương vãi trên ngực áo của con mình với một ánh mắt vô cùng trìu mến. Từ những cảm nhận ban đầu như thế, tôi dần nhận ra ở họ những điều khác hơn tôi nghĩ. Tôi nhìn thấy tình yêu.     

Tôi được biết rằng bố của William là công nhân bảo trì ở một cửa hàng điện máy gần đấy. Ngày làm việc của ông tương đối dài, công việc thì rất mệt mỏi và thường là không cố định về thời gian. Ông nói rằng mặc dù bản thân không được đi học đầy đủ, nhưng ông ‘thật sự rất vui’ khi William được học hành tử tế. Ông đã sắp xếp nghỉ buổi thứ 6 tới để đến lớp học, để quan sát xem ‘thằng nhóc có nghịch ngợm, quậy phá gì không’. Nghe giọng điệu rất hứng khởi của ông, tôi tin rằng việc ấy đối với gia đình ông là ‘quan trọng, rất quan trọng’ - như lời ông nói. Nhưng rồi, ông lộ vẻ buồn rầu khi bảo với tôi rằng vợ mình không đi được.

- Ông chủ của cô ấy không cho phép. Cô ấy cũng muốn đi lắm nhưng không thể được. Hơn nữa, gần đây cũng đã có nhiều cuộc bãi công diễn ra. Nếu bị mất việc, chúng tôi không có cơ hội nữa.

- Mẹ con hôm nay được về sớm đó cô! - William nói. Tôi thấy vui với sự thích thú của cậu bé và nhận ra rằng dường như việc mẹ về nhà lúc 6 giờ là một niềm vui hiếm hoi đối với em.

***

Thứ 6, bố William đến như đã hẹn. Ông ngồi bệt xuống nền nhà gấp những ngôi sao nhiều màu cho bọn trẻ một cách chăm chỉ. Ông mỉm cười khi quan sát căn phòng. Rồi khuôn mặt ông trở nên nghiêm trọng và hỏi tôi: ‘Cô Mary, từ khi đi học đến giờ, William có làm cô phiền lòng nhiều lắm không?’. Tôi phải bảo đảm cho ông rằng cậu bé rất nghiêm túc trong lớp học, những nếp nhăn trên trán ông mới giãn ra.

- Nó có lễ phép thưa gửi đàng hoàng không? Vì việc này quan trọng với tôi và mẹ nó lắm! Và còn việc học chữ cái nữa, tôi đã dặn nó bao nhiêu lần là phải cố gắng học cho thật tốt!

Đặt đôi bàn tay rám nắng và dạn dày gió sương trên vai William, với một ánh mắt tràn ngập tình yêu thương, ông nhìn con trai mình.

- Chúng tôi muốn rằng William có thể tiếp thu được nhiều thứ, đó là lý do quan trọng nhất để chúng tôi gửi nó tới trường học. Chúng tôi muốn con lớn lên và học được những điều hay lẽ phải. Chúng tôi muốn nó đối xử công bằng với mọi người và không chỉ nhìn người khác qua những gì họ có hay qua màu da, cách ăn mặc của họ.

Tôi đứng yên đó, bối rối với những định kiến của mình trước đây. Trong nhiều tháng qua, tôi đã phán xét về gia đình ông ấy chỉ vì vẻ bề ngoài của con trai họ. Trước mặt tôi là một người đàn ông chất phác và ngay thẳng, không cần đến những cái áo len hàng hiệu với cái logo thêu, không cần đến những chiếc quần jeans may bằng vải chéo sợi để thể hiện rằng họ quan tâm đến con mình như thế nào. Họ đã chọn cho con trai mình một thứ không thể tìm thấy trong bất kỳ cửa hàng nào, đó là lòng tốt và sự tử tế cùng với lòng tự trọng. Họ đã cho cậu bé món quà lớn nhất là tình yêu.

 Từ ngày hôm đó, tôi đã thôi không còn để ý đến cái áo mà em đang mặc hay đôi giày lấm bùn nữa, thứ tôi thấy rõ nhất lúc này là nụ cười tươi lúc nào cũng bừng sáng trên gương mặt em. Dạo này đang là mùa đông nhưng cái cách William giơ cả hai tay lên như cánh quạt hồn nhiên chạy qua chạy lại giữa sân, cứ như là đang đón gió hè trên đồng cỏ, mới đáng yêu làm sao! ‘Thật là một thằng bé lạ lùng. Nó sẽ là người luôn biết mỉm cười trong mọi hoàn cảnh đây!’, tôi thầm nghĩ với một cảm giác ấm áp trong lòng.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn