Mùa đông năm 2012, một đoạn video khiến vô số cư dân mạng phẫn nộ lan truyền rầm rộ trên mạng. Một cậu bé cởi trần chỉ mặc độc chiếc quần đùi và đi đôi giày chạy dưới trời tuyết lạnh âm 13 độ C tại New York, Mỹ.
Mặt cậu bé đỏ bừng vì lạnh, thậm chí, khi đứa trẻ vừa chạy, vừa khóc đòi được bố ôm vào lòng: “Bố ơi, ôm con đi”. Nhưng bố cậu bé vẫn yêu cầu cậu tiếp tục chạy và nói: “Hãy chạy về phía trước, nhanh lên”.
Nhiều người đặt ra câu hỏi tại sao người cha lại đối xử “tàn nhẫn” với con trai mình như vậy? Và cậu bé ấy bây giờ ra sao?
Quá trình rèn luyện khắc nghiệt
Người cha tên là Hà Liệt Thắng và cậu bé là con trai ruột của ông, Hà Nghi Đức (biệt danh: Đa Đa). Năm 2008, Đa Đa chào đời trong sự hồi hộp, lo lắng của cha mẹ. Đa Đa sinh non 3 tháng và bác sĩ chẩn đoán cậu có thể bị bại não và mất trí nhớ. Sau khi nghe bác sĩ nói, tâm lý người cha rất phức tạp.
Cho dù ra sao, ông cũng sẽ nỗ lực chăm sóc đứa trẻ. Hà Liệt Thắng luôn tin rằng chỉ cần ông làm việc đủ chăm chỉ thì điều kỳ diệu sẽ xảy ra. Hai vợ chồng đặt tên con trai là Nghi Đức và biệt danh của cậu bé là Đa Đa, ngụ ý tính cách hiền lành và cao quý.
Ngay sau khi sinh, Đa Đa phải ở trong phòng chăm sóc đặc biệt. Trải qua 2 tháng nằm viện, đứa trẻ đã an toàn vượt qua giai đoạn nguy hiểm nhất, nhưng lời nói của bác sĩ lại khiến vợ chồng Hà Liệt Thắng đau đớn: "Mặc dù tạm thời đứa trẻ đã qua khỏi nguy hiểm, nhưng sau này có thể sẽ yếu ớt bệnh tật, thậm chí có thể mắc phải một số khiếm khuyết về trí tuệ."
Sau khi xuất viện, Hà Liệt Thắng đã dành rất nhiều tâm sức để tìm cách tăng cường thể chất cho con. Bằng cách tự tìm hiểu, ông biết trẻ sinh non có miễn dịch kém và bơi lội có thể giúp trẻ tăng miễn dịch, Hà Liệt Thắng thả con vào bể bơi cả giờ đồng hồ rồi mới ôm con ra ngoài. Thể chất của Đa Đa vốn đã kém, đêm đó bị tiêu chảy nặng. Các thành viên trong gia đình đã phát hiện ra tình huống này và muốn Hà Liệt Thắng chấm dứt hành vi này.
Tuy nhiên, Hà Liệt Thắng vẫn kiên định với ý kiến của mình. Cuối cùng, khi kiên trì gần năm ngày, Đa Đa dần quen với việc bơi lội, nhìn thấy Đa Đa vui vẻ vùng vẫy trong nước, người cha cuối cùng cũng mỉm cười.
Và hành động này cũng mang lại cho người cha một niềm tin rằng phương pháp này có thể thực hiện được, và ông cũng chính thức bắt đầu kế hoạch đào tạo của riêng mình cho Đa Đa.
Ở tuổi còn nhỏ, Đa Đa đã phải thực hiện những thử thách, chịu vất vả mà người trưởng thành chưa chắc đã làm được. Trước khi Đa Đa biết đi, người cha đã dạy cậu học cách tự lập, khi cậu ngã xuống không ai đỡ cậu dậy, cậu phải tự mình đứng dậy. Khi chưa đầy hai tuổi, Hà Liệt Thắng đã đưa con đi huấn luyện đi bộ đường dài. Từ ngã và ngã, đến có thể đi chậm, rồi đi ngày càng nhiều, ngày càng nhanh. Khi Đa Đa mới 2 tuổi, cậu có thể đi bộ liền 3 cây số.
Nhưng yêu cầu khắt khe như vậy cũng vấp phải sự phản đối gay gắt từ phía người nhà, đồng thời họ cũng tràn đầy nghi ngờ, liệu như vậy có quá tàn nhẫn với một đứa trẻ vốn có khiếm khuyết hay không? Nhưng Hà Liệt Thắng rất rõ ràng về những gì mình đang làm, và ông vẫn kiên định với ý kiến của mình khi đối mặt với những lời buộc tội từ gia đình.
Những thành tích đáng kinh ngạc
Người cha luôn tin rằng với những nỗ lực không ngừng của mình, điều kỳ diệu nhất định sẽ xảy ra. Bên cạnh việc củng cố thể chất, Hà Liệt Thắng không quên kèm cặp con về văn hóa, tri thức.
Khi Đa Đa 3 tuổi, cha cậu đã gửi cậu đến Hoa Kỳ để học mẫu giáo, bài kiểm tra của giáo viên cho thấy chỉ số IQ của cậu đã đạt đến mức của lớp 1. Người cha còn sắp xếp nhiều kế hoạch, cho Đa Đa tham gia đủ các lớp học: cờ vua, taekwondo, thậm chí chèo thuyền…
Khi Đa Đa lên 4 tuổi, người cha yêu cầu cậu bé cởi trần chạy dưới cái lạnh âm 13 độ. Lên 5 tuổi, Đa Đa có thể một mình leo 15 tiếng để chinh phục ngọn núi Phú Sĩ (Nhật Bản).
Ở tuổi lên 6, hầu hết trẻ em vẫn đang bập bẹ học Hán Việt, Đa Đa đã bắt đầu viết cuốn tự truyện ghi lại những trải nghiệm đầy màu sắc của cậu.
Năm Đa Đa 9 tuổi, cậu đã đăng ký kỳ thi tự học tại Đại học Nam Kinh và trở thành sinh viên đại học. Ở tuổi 13, Đa Đa đã hoàn thành bằng MBA tại Đại học Wukang ở Tây Ban Nha. Vào ngày 19 tháng 12 năm 2021, cậu đã nhận được thư mời nhập học tiến sĩ từ Đại học Sao Paulo ở Philippines. Vào tháng 2 năm 2023, năm Đa Đa 15 tuổi, cậu nhận được thông báo học sau tiến sĩ từ trường Homerton thuộc Đại học Cambridge của Vương quốc Anh.
Những thành tựu đạt được khi tuổi đời còn nhỏ giúp Đa Đa vinh dự nhận được 11 kỷ lục Guinness thế giới như Phi công trẻ nhất thế giới, Thủy thủ trẻ nhất thế giới,...
Khi xuất hiện trong chương trình thực tế, nhiều người khi xem phần giới thiệu cá nhân của Đa Đa đã vô cùng ngạc nhiên, ai có thể ngờ rằng một đứa trẻ chưa trưởng thành lại có thể đạt được nhiều thành tích như vậy. Trong chương trình, Đa Đa trông không giống một đứa trẻ bị chẩn đoán mắc bệnh bại não khi mới sinh và đã thể hiện một cách trọn vẹn nhất những khoảnh khắc tỏa sáng của cá nhân mình.
Trong khi con đạt được những thành tựu này, người cũng liên tục được hỏi về phương pháp nuôi dạy con cái. Khi chia sẻ quá trình huấn luyện con nghiêm khắc như vậy, Hà Liệt Thắng bị cư dân mạng đặt cho biệt danh "Bố đại bàng”.
Tuy nhiên, rất nhiều người cảm thấy phương pháp dạy con của ông là không phù hợp. Những phương pháp đó quá nghiêm khắc, kỷ luật, bị quá sức và có thể gây tổn thương cho một đứa trẻ. Nhưng người cha cũng chia sẻ rằng, khó khăn mà Đa Đa đã trải, ông cảm thấy đau khổ hơn bất kỳ ai khác, bởi vì đây là con của ông ấy.
Nhìn chung, các bậc làm cha làm mẹ mong con “hóa rồng, hóa phượng” không phải là sai. Chưa bao giờ có một phương pháp giáo dục thành công tuyệt đối, vẫn phải tìm ra phương pháp phù hợp mỗi đứa trẻ, không để giáo dục phát triển thành phản tác dụng.
Giáo dục trẻ không phải là những kỷ luật nghiêm khắc đòi hỏi sự tuân theo tuyệt đối, mà là khám phá những ưu điểm để trẻ phát triển. Sau cùng, điều chúng ta mong muốn nhất và mục tiêu của các phương pháp giáo dục mà ta hướng đến vẫn luôn là quá trình lớn lên của đứa trẻ sẽ thật hạnh phúc.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn