Vì được chiều chuộng từ bé nên cậu con trai đầu lòng của cô trở nên ngang bướng, ích kỷ (Ảnh minh họa) |
Một bà mẹ trẻ gọi điện cho Thanh Tâm chia sẻ, mình đã sắp đến ngày sinh nhưng con trai đầu lòng vẫn giữ thái độ quyết liệt và hay nói đến vấn đề “xử lý” em bé.
Nguyên do bắt đầu từ chỗ, vợ chồng cô kết hôn muộn và quá yêu thích đứa trẻ. Từ trước đến nay, rửa tay, đi giày, thay quần áo, ăn uống… tất tật, hai người đều cố gắng làm giúp con. Khi cả nhà xem phim, chỉ cần bé đòi chuyển kênh là bố mẹ phải nhượng bộ. Khi có món ngon, bé thích ăn thì bố mẹ không được đụng đến. Dần dà, bé nhận ra mình là nhân vật quan trọng nhất, bé không chịu chia sẻ (thức ăn, đồ chơi…) và trở nên ích kỷ, khó chịu với mọi người. Vợ chồng cô chỉ thực sự nhận ra vấn đề khi con tỏ ra gay gắt, cực đoan với em bé trong bụng mẹ.
Thật ra, sự ích kỷ, vô trách nhiệm có thể nảy mầm ngay từ khi còn là những đứa trẻ. Và càng trưởng thành thì thói quen ích kỷ càng ăn sâu, mức độ ảnh hưởng đến xã hội, những người xung quanh càng nghiêm trọng. Vì thế, chúng ta cần tỉnh táo. Nhất là trong xã hội hiện đại, khi mỗi gia đình chỉ dừng lại ở một đến hai con, chúng ta không nên vì quá yêu mà nuông chiều, đáp ứng mọi nhu cầu, chăm sóc quá kỹ, đánh mất những cơ hội quan tâm đến người khác, biết nghĩ cho người khác của trẻ.
Thật khó để thay đổi suy nghĩ của mọi người nhưng chúng ta hoàn toàn có thể bắt đầu những điều tốt đẹp từ những đứa trẻ của mình. Hãy dạy con không chỉ biết “nhận” mà còn biết “cho”, không chỉ biết mình mà còn biết đến người khác.
Trước mắt, cha mẹ nên dùng vai trò người anh để bé thấy tầm quan trọng và trách nhiệm của mình. Đồng thời cùng bé thiết lập lại "nội quy gia đình" để bé chủ động sửa dần những thói quen xấu.