Có hay không một mối quan hệ mà không bao giờ nảy sinh mâu thuẫn? Chắc hẳn 99% chị em sẽ khẳng định là không. Vậy nguyên nhân bắt nguồn từ đâu?
Vấn đề thường xuất hiện khi mà một trong hai bạn cố tìm cách phá vỡ những ranh giới của đối phương. Nói theo nghĩa đen là chàng có một bức tường, bạn thì lại muốn dùng búa phá nó.
Tại sao tôi lại dùng hình ảnh cây búa và bức tường để so sánh với hai người yêu nhau? Đó chính là nỗi sợ mất đi sự kết nối về mặt cảm xúc với người mình yêu. Tuy nhiên, dù bạn là gì thì bạn vẫn phải tôn trọng không gian riêng của đối phương, không phải bức tường nào bạn cũng có thể phá.
Tôi có một cô bạn thân tên Hà và người yêu của cô ấy tên Minh. Bỗng một ngày cô cảm thấy Minh thay đổi, anh ấy trầm tính hơn bình thường và cư xử rất khác. Sợ rằng giữa hai người dần sẽ có khoảng cách, Hà liên tục hỏi Minh rằng sao lại như thế nhưng câu trả lời của Minh luôn luôn là: “Không có gì đâu”.
Tình hình chẳng khả quan hơn. Hà ngày càng căng thẳng, lo lắng. Minh dường như xa cách cô hơn và điều này khiến cô cảm thấy tuyệt vọng. Anh trấn an cô rằng mọi thứ đều ổn, rằng anh là người hướng nội nên trầm tính thôi. Nhưng cô lại không thể hiểu được sự im lặng của anh và cho rằng có điều gì đó bất ổn trong mối quan hệ của họ.
Hà tự đặt ra trong đầu hàng tá câu hỏi: Tại sao Minh cần ở một mình? Có chuyện gì xảy ra? Tại sao Minh không vui? Và cô cố gắng ở bên cạnh anh nhiều hơn, dành nhiều thời gian để làm mọi thứ cùng anh, tuy nhiên chẳng đem lại kết quả gì.
Tôi khuyên cô bạn nên tiết chế cảm xúc của mình hơn. Thay vì liên tục tìm câu trả lời, hãy tự nâng cấp bản thân. Sống tích cực và vui vẻ, chính sự rạng ngời tươi mới của bạn sẽ khiến chàng có cái nhìn khác đi đấy.
Có thể bạn không biết nhưng việc không thấu hiểu, không cho đối phương không gian riêng có thể dẫn đến những mâu thuẫn nghiêm trọng hơn.
Tôi nhận thấy Hà là một cô gái luôn thiếu cảm giác an toàn với người yêu. Điều này xảy ra bởi vì Hà thường hay tự phân tích và suy diễn những hành vi của Minh. Chỉ cần anh ấy khác đi một chút, cô đã làm loạn lên rồi. Chính vì không hiểu nên Hà lại cứ cố thay đổi tình hình. Và đây là lúc cây búa và bức tường hiện diện trong tình yêu của Hà và Minh. Những vấn đề xảy ra sau đó sẽ trở nên khó giải quyết hơn. Đối với cô, khi Minh nói anh cần không gian, thời gian riêng nghĩa là anh không cần cô nữa.
Khi Minh nói anh muốn ở một mình, Hà đã không tôn trọng nhu cầu của anh. Hà bắt đầu nghi ngờ anh, soi mói từng hành động, cử chỉ của anh. Minh đi đâu, làm gì, với ai cũng đều phải báo cáo với cô. Tất cả những gì cô đang cố làm là xoá bỏ khoảng cách giữa hai người nhưng kết quả ngược lại.
Khi chúng ta còn bé, bất cứ điều gì bị bố mẹ cấm thì chúng ta càng muốn thực hiện, càng muốn tìm hiểu. Tình yêu cũng vậy. Một khi có sự ràng buộc xuất hiện thì một trong hai người sẽ cảm thấy chán nản. Khi đó khát khao được trở lại ngày tháng tự do sẽ xâm chiếm lấy bạn.
Nếu tôi là Hà, tôi sẽ giải quyết vấn đề theo cách khác. Cho Minh không gian anh ấy cần và tự nhiên mối quan hệ sẽ khả quan hơn. Bạn có thấy rằng việc quá lo lắng và liên tục tìm cách thay đổi tình hình chỉ khiến mọi thứ thêm tệ không? Mặc dù vậy, tôi cũng chỉ là người ngoài cuộc, tôi không ở trong hoàn cảnh đấy thì không thể phán xét ai đúng ai sai.
Tình yêu nào rồi cũng sẽ qua giai đoạn “lúc mới yêu”, giai đoạn mà các bạn chia sẻ với nhau mọi thứ. Nghiên cứu chỉ ra rằng, trạng thái của một người bị chi phối bởi người mà họ yêu thương nhất, người mà họ muốn ở bên mãi mãi và nếu có thể, họ sẽ bảo vệ người đó bằng cả sinh mạng của mình.
Tuy nhiên, trải qua thời gian, mỗi người cần lấy lại một phần không gian của chính mình. Có thể là họ sẽ dành thời gian cho gia đình, bạn bè hoặc chỉ để làm những việc mà họ thích.
Nếu như bạn đang nằm trong sự chuyển giao giữa hai giai đoạn trên, bạn cần biết rằng những khoảng thời gian riêng hay không gian riêng mà bạn cần liệu có cần thiết không. Cũng cần phải hiểu rằng ai cũng cần có khoảng trời riêng, nhiều hay ít phụ thuộc vào cách các bạn cân bằng cuộc sống.
Tất nhiên, điều này không chứng tỏ rằng bạn hết yêu người đó, cũng không có nghĩa là mối quan hệ của hai bạn đang trở nên lạnh nhạt. Nó chỉ giúp bạn và cả đối phương không bị cảm giác mắc kẹt trong mối quan hệ, vì vậy sẽ không có cây búa hay bức tường nào có cơ hội hiện diện cả.
Mỗi mối quan hệ giống như một vũ trụ và vũ trụ đó lớn hay nhỏ tuỳ thuộc vào nhu cầu của cả hai người. Có rất nhiều cặp đôi thành công trong việc dành cho nhau một chút không gian riêng và cũng có những đôi cho nhau nhiều không gian hơn. Tất cả phụ thuộc vào việc hai bạn tìm thấy sự cân bằng và thoải mái ở đâu.
Trong mọi trường hợp, bạn phải cố gắng chống lại ý muốn phá vỡ bức tường của đối phương và thay vào đó hãy tìm những cách khác tích cực hơn. Nếu bạn đang thấy thiếu cảm giác an toàn trong mối quan hệ thì tốt nhất bạn nên tìm những chuyên gia tâm lý hoặc cũng có thể là một người mà bạn tin cậy. Họ sẽ có những góc nhìn khách quan hơn giúp bạn tìm ra mấu chốt của vấn đề và đưa ra những lời khuyên để bạn tìm lại hạnh phúc trong tình yêu của mình.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn