Trong số những kỉ vật, lật giở những trang nhật ký chiến trường của bà Nguyễn Thị Hồng Nhãn, Hà Nội khiến ta không khỏi bùi ngùi, cảm phục.
Bà Hồng Nhãn (SN 1953) sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân nghèo tại xã Nghiêm Xuyên, huyện Thường Tín, Hà Nội. Khi bà Nhãn học cấp II, đế quốc Mỹ tiến hành chiến tranh phá hoại miền Bắc. Tháng 6/1971 bà Nhãn viết đơn gia nhập bộ đội và được biên chế vào Trung đội nữ Thường Tín, Tiểu đoàn Trưng Trắc, Trung đoàn 12, Tỉnh đội Hà Tây (cũ). Sau 3 tháng huấn luyện, bà cùng đồng đội vào chiến trường, là tiểu đội phó đơn vị kho, binh trạm 15, kho Z4 với nhiệm vụ khuân vác đạn dược, quân tư trang vào chiến trường. Đến năm 1973 bà được biên chế vào tiểu đoàn xe, làm công việc nuôi quân (thuộc đơn vị D76, E11, F571 Bộ tư lệnh 559).
Trong suốt những năm tháng ở chiến trường, bà Nhãn có 2 cuốn nhật ký. Một cuốn viết từ năm 1968 đến 1975; một cuốn nhật ký bằng thơ viết từ 1971 đến 1975. Cuốn nhật ký bằng thơ dày 158 trang, dài 16cm, rộng 11cm là "người bạn tri kỷ" suốt dọc đường hành quân của bà Nhãn. Bao nhiêu năm trôi qua, nay tấm hình chân dung mặc quân phục của bà Nhãn ở phía trước cuốn Nhật ký đã bị ố, phần nilon bọc ở bìa sau cũng đã bị bung nhưng những tiếng lòng, cảm xúc được bà Nhã ghi lại vẫn tươi nguyên, dạt dào.
Trang đầu tiên, bà Nhãn ghi những dòng chữ kỷ niệm ngày vào quân đội. Trang thứ hai, bà vẽ một cành hoa đào và trích lời của đồng chí Ngô Gia Tự, coi đó là kim chỉ nam để phấn đấu: "Làm cách mạng phải vững chí bền gan, dang đôi cánh rộng chứ không phải chờ nước đủ cơm đầy thì mới ra tay chiến đấu. Có khác nào én nhạn mùa đông, muốn bay mà không cất cánh". Tiếp đó là những bài thơ viết về quê hương, kỷ niệm ngày vào Đoàn, vào Đảng, viết về đồng đội, bạn bè, viết về nỗi nhớ mẹ... Mặt sau của cuốn nhật ký, bà Nhãn chép 10 lời thề của quân đội nhân dân Việt Nam, những bài thơ về Trường Sơn và mùa xuân…
Bà Nhãn chia sẻ, có một bài thơ đặc biệt trong cuốn nhật ký được bà viết từ năm 1972 nhưng cho đến tận bây giờ, hơn nửa thế kỷ trôi qua song không lúc nào bà "nguội" dòng cảm xúc ấy: "Đó là năm 1972, khi đang trên đường hành quân, tôi chợt nhìn thấy hình ảnh Bác Hồ được khắc tạc trên một thân cây do một anh thương binh mất một tay thực hiện. Tôi chỉ được ngắm hình Bác vài giây rồi lại cùng đồng đội vội vã đi. Trên đường đi, tôi cứ miên man nghĩ mãi về kỳ công của đồng chí thương binh đó, nó như tiếp thêm sức mạnh cho tôi trong mỗi bước hành quân. Những vần thơ cứ dội về trong tôi. Và sau đó, tôi đã viết bằng thơ trong nhật ký của mình: …Tôi đã xem nhiều bức tượng đồng đen/ Nhiều bức tranh lồng trong gương đẹp/ Nhưng chưa thấy ở đâu tôi rưng rưng nước mắt/ Như ở Trường Sơn hình Bác tạc vào cây/ Mỗi chúng tôi chỉ được ngắm vài giây/ Rồi vội vã đi ngay theo bàn tay Bác chỉ/ Suốt đường hành quân không đêm nào tôi không nghĩ/ Về kỳ công này của đồng chí công binh…".
Bà Nhãn có mối tình đầu với người bạn cùng lớp, cùng tham gia chiến trường nhưng duyên lỡ vì người ấy đã hy sinh. Sau ngày giải phóng đất nước, bà Nhãn ra quân trở về địa phương tăng gia sản xuất nhưng cuốn nhật ký chiến trường luôn là kỷ vật, là "tài sản vô giá" của bà. Bà bảo, tinh thần, ý chí, niềm tin và khát vọng được ghi lại trong cuốn nhật ký chính là động lực, niềm thôi thúc bà vượt qua mọi khó khăn, thử thách trong cuộc sống. Và những năm tháng ở chiến trường chính là sự tôi rèn bản lĩnh của cuộc đời bà.
Trong cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, có biết bao mối tình chiến sĩ đã hóa thành huyền thoại. Vì lý tưởng Cách mạng, vì khát vọng dân tộc mà họ sẵn sàng hy sinh tình yêu - mưu cầu hạnh phúc cá nhân. Bởi, như nhà thơ Nguyễn Mỹ đã từng viết trong bài thơ "Cuộc chia ly màu đỏ", rằng "Khi Tổ quốc cần, họ biết sống xa nhau". Vì sao bao thế hệ cha anh sẵn sàng ra trận, chẳng sá gì cái chết? Đơn giản thôi, bởi độc lập dân tộc, thống nhất đất nước là số 1, và nhất định "Ngày mai sẽ là ngày sum họp"!
Trong những năm tháng chiến tranh ác liệt ấy, chuyện tình yêu của Thiếu tướng Hoàng Đan (SN 1928) và bà Nguyễn Thị An Vinh là một trong hàng ngàn câu chuyện tình cổ tích thời chiến.
Thiếu tướng Hoàng Đan - Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân nổi tiếng là một "chiến tướng" trong Quân đội nhân dân Việt Nam có vợ là bà Nguyễn Thị An Vinh. Ông bà nên duyên vợ chồng vào một ngày mùa thu năm 1954 sau chiến thắng Điện Biên Phủ. Cũng như bao đôi trai gái thời ấy, họ đã sống xa nhau đằng đẵng. Suốt hơn 30 năm kể từ ngày ăn hỏi (mùa xuân năm 1953), hai người không mấy khi được ở bên nhau.
Ông Hoàng Đan là một tướng trận, ông coi việc chiến đấu với kẻ thù, giải phóng đất nước là sứ mệnh thế hệ mình tự nguyện gánh vác, dẫu có phải hy sinh. Nơi hậu phương, bà An Vinh thi đua cùng chồng, phấn đấu cho sự nghiệp. Từ thân phận của một người đi ở mướn, bà đã phấn đấu học hành, vươn lên trở thành Phó Giám đốc Sở Thương nghiệp Hà Nội, Đại biểu Quốc hội khóa IV, V. Suốt những năm tháng ông ở chiến trường, ở nhà, bà An Vinh thay chồng nuôi con, đảm đang, chu toàn mọi việc. Tình yêu, tình chồng vợ của họ đã vượt qua hai thế kỷ, đi qua 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Sợi dây kết nối giữa họ là niềm tin tất thắng, là những cánh thư chở bao lý tưởng hòa vào niềm thương nhớ.
Trong thư gửi bà An Vinh ngày 24/3/1953, ông Hoàng Đan viết: "Thực tế em Vinh ạ, chỉ có những người cùng chung một lý tưởng cao cả mới yêu nhau, thương nhau trong điều kiện và hoàn cảnh như anh và em hiện tại được. Không có một quan niệm đúng, anh không thể có tình yêu không chút ngần ngại với em được. Anh đã hiểu vì lẽ gì anh yêu em, do đó anh vinh hạnh sung sướng được yêu em, con người của dân tộc, của giai cấp hay nói cách khác, con người phục vụ cho độc lập dân tộc và dân chủ nhân dân".
Khi đã là vợ chồng, có con chung, thư ông Hoàng Đan gửi bà An Vinh (đề ngày 15/11/1960) ngập tràn niềm tự hào vì thế hệ mai sau: "Anh nhìn đến đời chúng sau này anh càng sung sướng vì dù sao anh cũng thấy được người thật sự sống sung sướng là con chúng ta. Còn anh, anh đổi thanh xuân sôi nổi để cống hiến nó cho Tổ quốc, cho những năm chiến tranh. Cái sướng của tuổi thanh xuân của anh chủ yếu là sướng về tinh thần, còn vật chất thì đã phải trải qua nhiều gian khổ. Cái sướng toàn diện là con chúng ta, nên nhiều khi anh cũng tự hào rằng mình đã cống hiến cho thế hệ mai sau sung sướng và trong đó có con chúng ta."
Trong lúc Tổ quốc gian nguy, người chiến sĩ coi cái chết nhẹ tựa lông hồng. Họ sẵn sàng hiến dâng thanh xuân tươi đẹp để đất Mẹ được bình yên. Họ coi cái chết của mình là sứ mệnh cho đất nước hồi sinh. Nên họ nói về cái chết (có thể xảy ra với bất kỳ người lính nào nơi tuyền đầu) rất nhẹ nhõm, iêng hùng. Thư gửi vợ ngày 24/7/1963, ông Hoàng Đan giãi bày: "Chúng ta hứa trong hoàn cảnh nào cũng sẽ yêu nhau và sẽ yêu nhau mãi mãi. Chúng ta đã làm được như vậy. Chỉ có một hoàn cảnh chắc em và anh đều nghĩ nhưng chúng ta không ai nói ra là anh có thể không trở về sau chiến dịch nữa và vĩnh viễn xa em. Kể cũng thật khủng khiếp nhưng lúc đó nhiệm vụ anh cũng xem là thường tình như trăm ngàn người bạn khác đã ngã xuống".
Những bức thư theo thời gian nay dù đã úa màu nhưng vẫn chứa chan tình cảm của tiền tuyến gửi về hậu phương. Và hơn thế, nó còn là vật chứng của niềm tin, ý chí mạnh mẽ nơi chiến trường; là động lực, sức mạnh, nguồn động viên, sợi dây kết nối giữa hậu phương và tiền tuyến.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn