Ngành điện là một trong những ngành ảnh hưởng sâu rộng đến đến mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Vì vậy, khi nghe tin giá điện tăng, nhiều hộ gia đình, nhất là dân nghèo, lập tức lên phương án tiết kiệm chi tiêu để bù cho khoản tiền điện tăng thêm. Tăng giá điện vào mùa cao điểm thì số tiền tăng thêm với nhiều gia đình sẽ là đáng kể.
Đối với một bộ phận người dân có điều kiện kinh tế khá giả thì có lẽ tăng giá điện không phải là điều quá lo lắng. Nhưng đối với các doanh nghiệp, với người dân lao động, việc tăng giá điện là nỗi lo lớn. Bởi lẽ chi phí sẽ cao hơn, ảnh hưởng trực tiếp đến cả chuỗi sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, đặc biệt là các đơn vị chế biến sản xuất.
Còn đối với đại đa số người dân, việc tăng giá điện sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chi tiêu đời sống của họ. Mới đây, có thông tin cho rằng từ năm 2009 đến nay giá điện đã tăng khoảng 100%, từ mức 948,5 đồng/kWh lên 1.920,3732 đồng/kWh.
Thế nhưng khi người tiêu dùng chưa giải xong bài toán tiền điện tăng thì lại gặp phải vấn đề còn nan giải hơn là mất điện.
Chịu đựng nhiệt độ nắng nóng trên 40°c là một điều khổ sở với người dân, đặc biệt là người già và trẻ nhỏ. Nhưng thêm việc mất điện trong những ngày nắng nóng này, thì nỗi khổ cực ấy dường như được nhân đôi.
Thế nhưng đừng tưởng các doanh nghiệp, hộ gia đình bị cắt điện thì sẽ tiết kiệm được khoản tiền. Trên thực tế thì việc cắt điện này còn gây tốn kiếm hơn rất nhiều. Gia đình, doanh nghiệp cuống cuồng đi mua quạt tích điện, máy phát điện (chạy xăng, dầu) để duy trì hoạt động cũng như chống chọi với cái nóng của mùa hè sẽ tiêu tốn một khoản tiền không nhỏ.
Việc thiếu điện không những chỉ người dân khổ sở, mà ngay cả nhân viên ngành điện cũng khổ chẳng kém. Nhân viên điện lực trở thành những "tuyên truyền viên" bất đắc dĩ. Hình ảnh những nhân viên điện lực ở Hà Nội phải vác loa đi tuyên truyền, mỗi ca tuyên truyền kéo dài trong khoảng 2 giờ. Hệ thống loa tự chế được chằng cố định trên xe máy của một nhân viên. Không chỉ phát loa tuyên truyền, những nhân viên này còn vào tận nhà dân kêu gọi tắt các thiết bị điện không cần thiết như đèn led, đèn trang trí, biển quảng cáo cỡ lớn... để tiết kiệm điện.
Với tần suất cắt điện luân phiên trên diện rộng ở miền Bắc trong những ngày qua, thì dư luận nhân dân từ "vỉa hè" đến nghị trường Quốc hội, đều nóng lên những thông tin liên quan đến ngành điện. Đặc biệt là trên các phương tiện thông tin đại chúng, những câu hỏi về việc ngành điện làm ăn như thế nào khi để thiếu điện, để mọi ngành nghề sản xuất và người dân phải khổ sở, dẫu rằng họ vẫn phải chấp nhận tăng giá điện ngay cả khi họ không muốn.
Câu trả lời của ngành điện thì thật không quá lạ lẫm, đó là những lý do rất thuyết phục, nào là do thời tiết nắng nóng dẫn đến mức tiêu thụ điện tăng đột biến; do thủy điện hết nước; do sự cố thiết bị…vv và vv.
Ngày 7/6, tại Hà Nội, ông Trần Việt Hoà, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương), đã thay mặt cơ quan quản lý nhà nước và ngành điện, gửi lời xin lỗi đến nhân dân và doanh nghiệp, vì để xảy ra thiếu điện trong thời gian qua.
Đây không phải lần duy nhất ngành điện đưa ra lời xin lỗi, từ vài năm trở lại đây người dân đã chứng kiến nhiều lần ngành điện xin lỗi. Từ những lỗi nhỏ như tính giá sai, công tơ điện sai…cho đến hôm nay thì lỗi lớn hơn nữa. Đó là lỗi thiếu điện để người dân lâm cảnh cực khổ vì nắng nóng, doanh nghiệp lao đao vì sản xuất đình trệ.
Những hiện tượng thời tiết cực đoan, bất thường đã được dự báo trước. Hiện tượng El Nino cũng được dự báo trước và các nhà khoa học cũng nhận thấy tính quy luật của nó. Kịch bản cho tăng trưởng của nền kinh tế cũng đã được xây dựng. Đương nhiên, đây là những nội dung ngành điện cũng đã biết. Vậy mà có vẻ như mua hè này vấn đề thiếu điện để phải cắt luân phiên trên diện rộng hơn những mùa trước.
Biết lỗi và xin lỗi là điều nên làm. Nhưng xin lỗi xong thì cần có những hành động với giải pháp khắc phục. Đó mới là điều người dân mong đợi phía sau lời xin lỗi của ngành điện.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn