Câu chuyện 'nhảy cầu' của bà mẹ có con tự kỷ

15:16 | 02/04/2016;
"Tôi từng đi xe ra đến cầu, buộc con vào phía trước rồi định nhảy cầu tự tử, nhưng nghĩ đến con lại thôi. Có lúc, tôi vào BV liên lạc tìm cách bán thận để có tiền chạy chữa cho con".
Chị Nguyễn Lệ Thủy (Sơn Dương, Tuyên Quang), hiện ở cùng cô con gái thứ hai bị tự kỷ. Năm nay, bé đã 12 tuổi, nhưng ý thức, hành động mới như trẻ 5-6 tuổi. Dù vậy, chị cũng rất vui vì đã giúp con dần trở về với cuộc sống. Nói đến đây, đôi mắt chị rớm rớm, bởi bao đắng cay như ùa về.

Bỏ việc để giúp con
Chị kể, trước đây gia đình chị rất hạnh phúc. Chị là giáo viên dạy THCS ở địa phương, còn chồng làm ở một cơ quan Nhà nước. Từ khi cô con gái thứ 2 ra đời, rồi đến 3 tuổi vẫn không nói được, không giao tiếp mắt, biểu hiện bất thường, như đi bằng 5 đầu ngón chân, thích nghịch điện; không có cảm giác sợ hãi, cứ nhìn phía trước mà đi không nghĩ đó là ôtô hay xe máy, thậm chí cứ thấy nước là lao xuống, gia đình chị bắt đầu lục đục. Nghĩ bé bị câm điếc nên chị cho con đi khám tại BV Bạch Mai. Sau khi làm test, các bác sĩ cho biết bé bị chứng tự kỷ.
Chị Nguyễn Lệ Thủy chia sẻ với PNVN khi có con bị tự kỷ 
Lúc đó, chị cũng chưa hiểu về tự kỷ, cứ nghĩ là uống thuốc sẽ khỏi. Có người mách đi châm cứu, chị cũng đưa con đi. Các BV từ tuyến tỉnh đến TƯ, chị và con đều đã qua, thậm chí còn uống thuốc của các thày lang nhưng không đỡ. Các thành viên trong gia đình thì đổ lỗi cho nhau. “Gia đình nhà chồng cho rằng, bé bị bệnh là do tôi. Gia đình chồng toàn tiến sĩ, thì ai cũng nghĩ rằng làm sao lại bị như vậy. Không những thế, trong gia đình đã có sự phân biệt con tôi và nhưng đứa trẻ khác. Ví như, nhà có 2-3 đứa cháu, nhưng hễ có gì ngon, thì ông bà dành cho đứa cháu lành lặn mà chẳng đoái hoài gì đến con tôi. Khi gia đình có việc, người thân thường hỏi đứa bé bình thường mà quên đi sự có mặt của con tôi”, chị kể.

Áp lực gia đình quá lớn, trong khi chồng không đồng hành cùng vợ để điều trị cho con. “Khi biết con bị tự kỷ không chữa được, tôi đã nảy ra ý định tự tử. Tôi đi xe ra đến cầu, buộc con vào phía trước rồi định nhảy cầu. Thế nhưng, lúc ấy tôi lại nghĩ đến đứa con lớn đang tuổi ăn học. Nếu mình có bị sao thì ai sẽ lo cho con nên tôi quay về. Có lúc, tôi lại vào BV liên lạc tìm cách bán thận để lấy tiền chữa bệnh cho con, nhưng chưa được”, chị kể.

Khi bé được 4 tuổi, chị quyết định ly hôn. Chị tìm hiểu tài liệu, tham khảo ý kiến của bác sĩ và nhận ra rằng, giáo dục là liều thuốc tốt nhất để điều trị cho con và vai trò của cha mẹ chiếm đến 60%. Chị xin nghỉ dạy học, quyết tâm điều trị cho con. Chị bảo, nhiều người mắng chửi bảo dại, bởi nếu nghỉ việc thì lấy tiền đâu điều trị cho con. Nhưng chị bỏ ngoài tai.

Xuống Hà Nội, chị được một trung tâm dạy trẻ tự kỷ nhận vào làm việc. Do chị từng là giáo viên nên được phân dạy cho trẻ tự kỷ học chữ, làm bánh rán trứng. Nhờ đó, chị có điều kiện gần con và toàn tâm, toàn ý dạy cho cho bé.
Một lớp học cho trẻ tự kỷ 
1 năm mới học xong 1 chữ
Dạy cho trẻ bình thường khó một, thì với trẻ tự kỷ khó gấp ngàn lần. Vì vậy, để dạy con, chị đã chịu không biết bao nhiêu khó khăn vất vả. Chị kể: Khi dạy cho trẻ bình thường chữ A thì chỉ vài ngày là bé nhớ, nhưng con tôi phải mất một năm. Khi dạy quả cam, trẻ bình thường chỉ viết 1 trang chính tả, ra chợ thấy quả cam là nhớ ngay. Nhưng con tôi thì phải viết chính tả, để quả cam trước mặt, rồi thực hiện các hành động vắt nước cam cho con uống, rồi đưa bé ra chợ, chỉ quả cam và luôn miệng nói quả cam. Dù vậy, cũng phải mất 1 năm, bé mới nhận biết được quả cam.

Khó khăn như vậy nhưng chị không nản. Từ đó đến nay, chị đã đồng hành cùng con và hàng trăm trẻ tự kỷ khác. Nhờ sự nỗ lực của chị, tình trạng của bé cũng đã cải thiện nhiều. “Ngày xưa bé tồi tệ 10 phần, thì giờ chỉ còn 5. Bé cũng đã biết đọc, biết viết và làm phép tính cộng trừ nhân chia đến 100 rồi”, chị Thủy chia sẻ.

Ở Việt Nam, hiện chưa có nghiên cứu điều tra, thống kê chính thức về  số lượng trẻ tự kỷ. Theo ước lượng của Mạng lưới người tự kỷ Việt Nam (VAN), thì nước ta có từ 160.000 đến 200.000 người tự kỷ.

Trẻ mắc tự kỷ đều khiếm khuyết về khả năng tương tác xã hội, khả năng giao tiếp bằng lời hoặc không lời nói và rối loạn về hành vi. Trẻ bị tự kỷ có các dấu hiệu như:

- Chậm nói hoặc biết nói nhưng gọi không trả lời.

- Tự thu mình, không chơi chung với trẻ cùng tuổi.

- Không chơi các trò chơi bắt chước.

- Thờ ơ khi được cưng chiều, thường chơi với đồ chơi.

- Có thái độ thách thức như hung hăng, tự gây tổn thương.

- Ít cười, ánh mắt đờ đẫn, không phát âm được khi âu yếm.


Hưởng ứng Ngày Thế giới nhận thức chứng tự kỷ 2/4, VAN lần đầu tiên tổ chức sự kiện “Ngày Việt Nam Nhận thức về Tự kỷ” để hưởng ứng lời kêu gọi của Liên Hợp Quốc. Sự kiện bao gồm chuỗi các hoạt động: Triển lãm ảnh “Picturing Autism Vietnam” của nhiếp ảnh gia Mỹ Debbie Rasiel, với đề tài cuộc sống của người tự kỷ và gia đình; Hội thảo quốc tế về “Tự kỷ ở Việt Nam-Hiện trạng và thách thức”; Mít tinh và Đại hội thể thao thân thiện dành cho người tự kỷ toàn quốc; Buổi hòa nhạc của nghệ sĩ Nguyệt Thu và nhóm tứ tấu Apaixonado.



Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn