Câu chuyện phi thường của cô gái trẻ nhất từng nhận giải Nobel Hòa bình

10:13 | 02/04/2019;
"Tôi là Malala" là cuốn tự truyện của cô gái Malala Yousafzai trong quá trình đấu tranh chống lại quân khủng bố Taliban, đòi quyền được đi học cho phụ nữ và trẻ em trên khắp thế giới.

Malala sống cùng bố mẹ và hai người em trai tại thành phố Mingora, ở thung lũng Swat, Tây Bắc Pakistan. Cha của cô là người yêu chuộng và luôn đấu tranh vì hòa bình. Ông thành lập một trường học ở Pakistan. Nhờ vậy mà khác với rất nhiều trẻ em nữ không được đến trường ở Pakistan, Malala đến trường khi cô 5 tuổi, bắt đầu nuôi dưỡng ước mơ được đi học, được vươn tới tri thức cháy bỏng của mình. Mỗi ngày đến trường, được biết thêm những điều mới đối với Malala đều là những ngày tuyệt vời.

 

55853505_2247426948658403_3988389476689772544_o.jpg
Bìa cuốn sách "Tôi là Malala"
 
 

Những ngày tươi đẹp qua mau khi Taliban bắt đầu tràn vào Pakistan, gây ra những trận khủng bố đẫm máu, các trường học phải đóng cửa, các bé gái không được phép ra khỏi nhà, phụ nữ không được phép đi ra ngoài nếu không có người đi cùng…

Ở đây, phụ nữ đã bị tước đoạt mọi quyền lợi, ngay cả quyền được cất tiếng nói. Nhưng cô bé Malala, không chấp nhận điều đó. Lúc ấy, mới 10 tuổi, cô đã dám đứng lên cất tiếng nói của mình. Bất chấp sự cấm đoán của Taliban, cô tiếp tục đến trường, đồng thời kêu gọi những người bạn gái của mình không từ bỏ trường học. Tiếp đó, cô bắt đầu viết nhật ký cho BBC để những người bên ngoài Pakistan có thể biết được tình hình của đất nước cô.

Cô muốn được lên tiếng cho những đứa trẻ, những người phụ nữ đang bị chế độ Taliban kìm kẹp, áp bức. Và rồi, trước sự đấu tranh mạnh mẽ của cô, năm 2012, một nhóm phiến quân Taliban dừng xe buýt của cô trên đường về nhà và bắn vào đầu cô, khiến cô suýt chết.

Trải qua những cuộc phẫu thuật đau đớn, suốt nhiều tháng sau, Malala mới bình phục nhưng cô cùng gia đình buộc phải rời bỏ quê hương mình. Nơi đó đã trở nên quá nguy hiểm đối với những người phụ nữ dám lên tiếng.

 

4d4c67538764653a3c75.jpg
Malala cất tiếng nói tại Liên hợp quốc 
 

Hiện tại, Malala và gia đình cô đã chuyển sang Anh. Tại đây, cô được tự do sống và học tập, nhưng cô chưa giây phút nào ngừng lại cuộc đấu tranh đòi quyền lợi được đến trường cho những đứa trẻ và những người phụ nữ.

Cuộc tấn công gần chết người đã mang đến cho cô một tiếng nói toàn cầu mà cô đã và đang sử dụng để tiếp tục cuộc chiến của mình cho giáo dục nữ, trên phạm vi toàn cầu. Cuộc chiến của cô đã mang lại cho cô giải thưởng Nobel khi cô 17 tuổi; điều này khiến cô trở thành người đoạt giải Nobel trẻ nhất mọi thời đại.

Bài phát biểu của Malala tại Liên hợp quốc có thể nói là một bài phát biểu tuyệt vời, cất tiếng nói đòi quyền lợi cho biết bao nhiêu đứa trẻ và những người phụ nữ .

“Tôi cất to tiếng không phải để hét, mà để những ai không có tiếng nói có thể được nghe thấy.

Những người đã đấu tranh vì quyền của mình:

Quyền được sống trong hòa bình

Quyền được đối xử tôn trọng

Quyền bình đẳng về cơ hội

Quyền được hưởng giáo dục”

Bài phát biểu mạnh mẽ của Malala đã được thể hiện rõ nét bằng cuộc đời luôn luôn mạnh mẽ đấu tranh của cô. Một cô gái nhỏ nhắn, trẻ trung nhưng mang trong mình sự can đảm vô cùng. Malala khao khát tin rằng “một đứa trẻ, một giáo viên, một cây bút và một cuốn sách có thể thay đổi thế giới”.

Chặng đường đấu tranh phía trước sẽ còn rất dài, rất dài đối với Malala và những người giống như cô, nhưng tôi tin rằng bằng sức mạnh, niềm tin cùng sư ủng hộ của rất nhiều người yêu hòa bình trên thế giới này, tiếng nói của cô sẽ ngày càng vang vọng, để những đứa trẻ, những người phụ nữ có thể nhận được những điều xứng đáng mà họ phải có trong đời sống này.

Tự truyện Tôi là Malala của Malala Yousafzai được viết bằng ngôn ngữ sáng rõ, mạch lạc, với đầy những tư liệu quan trọng về cuộc đời Malala cùng những sự kiện đã xảy đến cho dân tộc cô. Cuốn sách làm nổi bật không chỉ chân dung Malala, nó còn sáng lên bức tranh về một đất nước đã chịu nhiều đau đớn mất mát, và hiện tại vẫn đang phải đấu tranh hàng ngày để tìm kiếm hòa bình.

Ngoài giải Nobel hòa bình, Malala đã nhận được nhiều giải thưởng khác, trong đó có giải Hòa bình Thiếu nhi Quốc tế (2013), Giải thưởng cho Tự do Tư tưởng mang tên Sakharov và Giải Đại sức Lương tâm của Tổ chức Ân xá Quốc tế.

Bản in tiếng Việt do dịch giả Lê Đình Chi chuyển ngữ, được NXB Kim Đồng phát hành tại Việt Nam năm 2019.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn