Câu chuyện về cậu bé 5 tuổi giúp mẹ đào thoát thành công

13:11 | 14/02/2018;
người mẹ bị giam cầm 7 năm trong căn phòng khóa - trải qua những lần bị cưỡng hiếp sinh ra cậu bé Jack. Để “đào thoát”, Joy đã lên kế hoạch mà nhân tố chính quyết định thành bại chính là Jack.

Căn phòng khóa là một tác phẩm được viết dựa trên một câu chuyện có thật về cuộc đào thoát vĩ đại của gia đình Frizl khỏi căn hầm giam cầm họ ở Áo. Từ cảm hứng đó, Căn phòng khóa được gợi ra như một sự ẩn dụ thực tế về mối dây liên hệ mỏng manh mà cũng ràng buộc của việc làm cha mẹ. Nhân vật chính là “Mẹ” - Mẹ bị bắt cóc khi 19 tuổi, là một cô sinh viên giỏi giang và tràn đầy nhựa sống.

20170222130718canphongkhoa.jpg
Phải sống trong một căn phòng 10m2 suốt 7 năm liền, Joy sẽ dạy đứa con 5 tuổi những điều gì về thế giới thực ngoài kia?

 

Trước ngày con đến, “mẹ” bị cho uống thuốc mê và ngủ tới 16 tiếng một ngày, “mẹ” chẳng biết gì khác ngoài chiếc ti vi. Nhưng rồi, khi cậu bé Jack rơi xuống bụng mẹ và có mặt ở trên đời, Jack đã đồng hành cùng mẹ, và chính sự dũng cảm của cậu đã đưa hai mẹ con ra khỏi căn phòng giam giữ đó. Cả tác phẩm được kể từ góc nhìn của cậu bé Jack, vừa ngây thơ mà lại gửi gắm nhiều triết lý nhân sinh.

Thứ nhất, tác phẩm phản ánh một phần hiện thực cuộc sống mà chúng ta đang sống. Chẳng ai có thể ngờ một cô sinh viên 19 tuổi yêu đời, đang nghe nhạc từ chiếc tai nghe mới của mình bất ngờ bị bắt cóc. Rồi từ việc đó mà gia đình cô suy sụp và chia rẽ.

Ngay khi cô và con trai ra khỏi căn phòng giam cầm đó thì hai mẹ con lại biến thành đối tượng của truyền thông. Để rồi, cô chấp nhận phỏng vấn trên truyền hình, vào khung giờ vàng để có đủ số tiền trang trải cho cuộc sống của hai mẹ con. Tác phẩm phản ánh gián tiếp những tác động của truyền thông và số đông lên những con người nhỏ bé.

Thứ hai, chính là tình mẫu tử thiêng liêng xuyên suốt cả mạch truyện. Nhân vật “Mẹ” trong tác phẩm này đã yêu Jack bằng tất cả tình yêu của mình. Cô chưa từng mảy may nghĩ rằng Jack chính là con của kẻ đã cầm tù cô, cô luôn coi Jack chỉ là của riêng mình mà thôi.

Cô đọc sách cho con, tập thể dục cùng con và tạo cho con một thế giới tuổi thơ đủ đầy và trọn vẹn. Rất khó để nói rằng mẹ đã mang cuộc sống tới với Jack hay chính Jack đã một lần nữa đưa cuộc sống trở về với mẹ.

Emma Donoghue có biệt tài khiến độc giả khóc cười cùng nhân vật của mình. Sẽ hồi hộp đến nghẹt thở giây phút Jack giả vờ làm xác chết để được đưa ra khỏi căn phòng và cầu cứu những người ở bên ngoài. Sẽ là những cảm xúc mến yêu vô hạn trước tình cảm trong trẻo mà Jack dành cho những đồ vật quen thuộc ở trong phòng.

Và ai cũng thấy cảm thương biết mấy trước hành trình hội nhập với cuộc sống đầy chông gai của hai mẹ con. Một chú bé 5 tuổi đã khiến trái tim của hàng triệu độc giả rung động.

Căn phóng khóa đã được dịch ra hơn 35 ngôn ngữ, được Washington Post đưa vào top 10 tiểu thuyết đáng đọc nhất thế giới. Không phải ngẫu nhiên mà cuốn sách này lại được đông đảo bạn đọc đón nhận như vậy.

Nếu bạn đã lật mở trang đầu tiên của cuốn sách thì chắc hẳn sẽ muốn đọc đến trang cuối cùng để thỏa mãn sự tò mò, thỏa mãn cơn hồi hộp mà ngòi bút của nhà văn Emma Donoghue đã viết ra.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn