"Hai anh cùng ở một làng/ Màu da mặt đỏ mặt vàng khác nhau/ Lững lờ đi trước về sau/ Hằng năm nào có gặp nhau bao giờ" - Với câu đố này, bạn có biết "hai anh em" nào vừa khác nhau về ngoại hình, vừa có mối quan hệ tình cảm "lạnh nhạt" đến vậy không?
Đừng suy nghĩ theo hướng quá... nghiêm túc nhé bởi bạn sẽ rất khó để tìm ra câu trả lời. Gợi ý, đây là hai thứ ở trên cao, ai cũng đã từng thấy, thiếu nó chắc chắc ảnh hưởng sinh tử đến cuộc sống của bạn đấy. Đến đây liệu bạn đã nghĩ ra đáp án chưa? Câu trả lời chính là: Mặt trăng và Mặt trời.
Đây là "hai anh em" tuy tưởng gần gũi nhưng rất mực xa cách vì thông thường, Mặt trăng chỉ mọc sau khi Mặt trời lặn. Một bên là quả cầu lửa khổng lồ đỏ rực, một bên là ánh sáng dịu nhẹ. Cả hai đều đóng vai trò vô cùng quan trọng với sự sống con người.
Mặt Trời có đường kính lớn hơn Mặt Trăng 400 lần, và Mặt Trời cũng xa Trái Đất với khoảng cách gấp 400 lần quãng đường giữa Mặt Trăng và Trái Đất. Đó chính là lý do vì sao Mặt Trăng và Mặt Trời lại có kích cỡ tương đương nhau trên bầu trời.
Nói thêm về Mặt Trời thì đây là ngôi sao ở trung tâm của hệ Mặt Trời, cũng là một hình cầu lý tưởng được đan xen bởi plasma nóng và từ trường, chiếm hơn 99% khối lượng của toàn bộ hệ Mặt Trời. Nhiệt độ bên trong của Mặt Trời vượt quá 20.000 độ, trong khi nhiệt độ bề mặt là khoảng 5.700 độ. Khối lượng khổng lồ của Mặt Trời thu hút tất cả các hành tinh khác trong hệ Mặt Trời.
Tất nhiên, nếu không có Mặt Trời, loài người và các sinh vật sẽ không thể tồn tại. Các nhà khoa học đã nghiên cứu về nguồn gốc của các loài Trái Đất và chỉ ra rằng vị trí hoàn hảo của Trái Đất và Mặt Trời là yếu tố chính tạo nên điều kiện cho sự sống tồn tại trên Trái Đất.
Mặc dù Trái Đất và các hành tinh khác chuyển động cực nhanh trong không gian, sự tồn tại của Mặt Trời vẫn giúp chúng quay quanh Mặt Trời. Nếu Mặt Trời đột ngột biến mất, Trái Đất và các hành tinh khác sẽ tiếp tục di chuyển về phía trước, bay vào không gian vũ trụ theo một đường thẳng. Không ai biết điều gì sẽ xảy ra, nhưng điều chắc chắn con người trên Trái Đất sẽ nhanh chóng bị lạc vào không gian!
Nói về Mặt trăng, nó không tỏa ra ánh sáng của mình mà nó chỉ phản chiếu ánh sáng mặt trời để soi rọi bầu trời trái đất về đêm. Mặt Trăng giữ cho hành tinh của chúng ta ổn định. Nếu không có Mặt Trăng, Trái Đất sẽ chao đảo với lực hút của Mặt Trời. Trục quay của Trái đất sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều bởi sự "vắng mặt" của Mặt Trăng. Khi đó, khí hậu trên Trái Đất có khả năng gặp phải những thay đổi lớn.
Mặt Trăng có mối quan hệ gần gũi với Trái Đất và được cho là đã ra đời cách đây khoảng 4,5 tỷ năm. Mặt trăng ảnh hưởng lên Trái đất chủ yếu thể hiện ở mức độ lên xuống của thủy triều, độ nghiêng hành tinh và lịch sử tiến hóa, bao gồm cả lịch sử của loài người trên hành tinh. Hiện nay, Mặt Trăng quay quanh quỹ đạo Trái Đất với chu kỳ là 27,3 ngày một vòng, đồng thời dịch ra xa khỏi hành tinh xanh với tốc độ là 3,8 cm mỗi năm.
Giữa Mặt trăng và Mặt trời sẽ có 2 hiện tượng thiên văn là Nhật thực và nguyệt thực. Đây là hiện tượng xảy ra khi Trái đất, Mặt trăng, Mặt trời cùng nằm trên cùng một mặt phẳng và thẳng hàng với nhau.
Hiện tượng nhật thực thường sẽ xảy ra ít nhất 2 lần và nhiều nhất là 5 lần trong một năm. Trong khi đó, nguyệt thực chỉ xảy ra khoảng 1 đến 2 lần trong năm, trong vòng 5 năm sẽ có 1 năm không xảy ra hiện tượng nguyệt thực. Lịch sử thiên văn học Thế giới ghi nhận chưa có năm nào xảy ra 8 lần nhật thực và nguyệt thực.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn