Là một ngôn ngữ đơn âm tiết, có thanh điệu lại rất nhiều từ gốc Hán nên tiếng Việt có nhiều từ đồng âm, gần âm, đồng nghĩa, gần nghĩa. Nhờ vậy người Việt tạo ra những cách nói lái, chơi chữ tài tình, lắt léo. Từ đó cho ra đời những câu đố chính người Việt 100% cũng giơ tay xin hàng vì quá khó.
Chẳng hạn với câu đố: Nghe tên ngỡ ác thú/Gặp rồi hóa bạn thân/Bao chuyện xa gần, mách em biết hết - Bạn có nghĩ ra đáp án là gì không? Với dữ liệu ở vế đầu tiên, hẳn ai cũng nhận ra trong câu trả lời có tên một loài thú. Vậy còn "gặp rồi hóa bạn thân", biết hết chuyện xa gần thì sao?
Bật mí, đáp án là một ấn phẩm xuất bản định kỳ chứa thông tin bằng văn bản về các sự kiện thời sự và thường được in bằng mực đen với nền trắng hoặc xám hay có màu. Người ta thường mua vào buổi sáng để cập nhật tin tức.
Câu trả lời chính là: Tờ báo.
"Báo" là danh từ để chi một loài động vật hoang dã có đặc tính là hung hăng, gây nguy hiểm cho người khác. Nhưng tờ báo thì với nhiều người "như bạn thân", giúp họ cập nhật tin tức gần xa mỗi ngày.
Về lịch sử báo chí Việt Nam, Gia Định báo là tờ báo đầu tiên bằng tiếng Việt mới (chữ Quốc ngữ), được ra mắt vào ngày 15 tháng 4 năm 1865 tại Sài Gòn. Đây là phương tiện truyền thông đầu tiên và rất mới mẻ tại Việt Nam. Nó đã giúp cho tiếng Việt mới có cơ hội phổ biến hơn trong quần chúng nhân dân.
Tờ báo kinh tế đầu tiên trong lịch sử báo chí Việt Nam là tờ Nông Cổ Mín Đàm nghĩa là "uống trà bàn chuyện làm ruộng và đi buôn". Đây là tờ báo tiếng Việt do Paul Canavaggio - một chủ đồn điền và thương gia người đảo Corsica, hội viên Hội đồng Thuộc địa Nam Kỳ làm chủ nhiệm. Chủ bút lần lượt là các ký giả Dũ Thúc Lương Khắc Ninh, Gilbert Trần Chánh Chiếu, Nguyễn Chánh Sắt…
Tờ báo cách mạng đầu tiên: Ngày 21/6/1925, tờ báo Thanh Niên do Nguyễn Ái Quốc sáng lập và trực tiếp chỉ đạo trở thành cơ quan ngôn luận trung ương của tổng bộ Hội Thanh niên Cách mạng Việt Nam. Ngày này đã được chọn là Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn