Câu đố tiếng Việt: Con gì hôm nay mưa mai ướt?

22:20 | 26/04/2023;
Đảm bảo nghe xong đáp án, bạn sẽ ngơ ngác bật ngửa đấy!

Con gì hôm nay mưa mai ướt? Theo suy luận thông thường, bạn sẽ nghĩ "nay" và "mai" là từ chỉ mốc thời gian. Tuy nhiên điều này chỉ đúng... 1 nửa. Và tất nhiên với suy nghĩ khá nghiêm túc này, bạn rất khó tìm câu trả lời bởi làm gì có con nào hôm nay mưa mà đợi ngày mai mới ướt. 

Trên thực tế, "mai" ở đây chính là... mai rùa (hoặc mai ba ba). Và câu hỏi trên là một câu đố mẹo khá lắt léo, phải nhanh nhạy lắm mới đoán ra được đáp án đấy!

Câu đố tiếng Việt: Con gì hôm nay mưa mai ướt? - Ảnh 1.

Chiếc mai của rùa cũng giống như xương sườn của loài người chúng ta vậy.

Rùa là con vật đã quá quen thuộc với chúng ta. Chúng thường sống dưới nước, tùy từng chủng loại chúng có thể sống ở vùng nước ngọt, nước lợ hay nước mặn. Cấu trúc cơ thể của rùa rất kỳ lạ. Bởi lẽ, chúng thuộc một trong số rất ít những loài có bộ xương nằm lộ ra bên ngoài cơ thể - chính là chiếc mai rùa.

Chiếc mai của rùa cũng giống như xương sườn của loài người chúng ta vậy. Nhưng không những thế, đó còn là xương sống và xương ức của chúng nữa. Và giống như con người không thể tự dưng lôi xương ra ngoài, bạn cũng không thể lôi một con rùa ra khỏi mai của chúng được.

Bên dưới lớp mai đặc biệt đó chính là một hệ thống cơ quan nội tạng hoàn chỉnh của rùa. Phổi rùa nằm ở đỉnh mai và do xương sườn đã cố định thành mai nên rùa sẽ dựa vào các thớ cơ bên trong mai, để hít thở oxy qua miệng. Nhưng có nhiều thời điểm, rùa thở ra bằng... hậu môn, thông qua một hệ hô hấp cực kỳ đặc thù. Rùa có thể rụt đầu vào bên trong mai là do chiếc mai cũng là nơi chứa tủy sống và xương sườn của rùa. Khi rùa rụt cổ vào trong mai, cột sống của nó sẽ rút lại theo hình chữ S.

Công dụng chính của mai rùa ngày nay thì vẫn là để bảo vệ chúng khỏi những kẻ săn mồi. Hầu như chẳng loài vật nào trên đời có thể đập vỡ mai rùa cả, trừ phi có bộ hàm cực khỏe (như cá sấu) hoặc nghĩ ra các chiến thuật như cắp chúng lên rồi thả xuống đá như đại bàng thôi. 

Trên thực tế, khoa học tin rằng rùa có mai vốn là để phục vụ quá trình đào bới - một sản phẩm của quá trình tiến hóa từ 200 triệu năm trước. Chúng có thể đào những đường hầm với cấu trúc rất phức tạp. Người xưa coi rùa là một loài vật linh thiêng, mai rùa thường được lưu giữ để làm vật xem bói.

Trong Đông y, mai rùa còn được sử dụng nhưng một loại dược liệu quý. Vị thuốc từ mai rùa có vị mặn, ngọt; tính hàn; quy kinh Tỳ, Vị, Can, Thận giúp bổ tâm thận, dưỡng huyết, dưỡng âm, mạnh gân xương. Chủ trị các chứng đau nhức, nóng trong xương, suy nhược cơ thể, di tinh, khí hư. 

 

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn