Hãy thử đoán xem, câu đố này đang nhắc đến 2 con vật nào nhé: "Để nguyên nhỏ bé đa nghi, bỏ huyền thêm hỏi thành loài uy phong". Bạn hãy nhớ xem trong kho tàng từ vựng của chúng ta, có từ nào chỉ một loài vật nhỏ bé đa nghi, có dấu huyền, và nếu bỏ dấu huyền, thêm dấu hỏi thì sẽ ra một loài khác, với hình ảnh "uy phong". Chắc chắn đây phải là một loài to lớn.
Nếu nghĩ mai không ra, thì xin bật mí luôn với bạn, câu đố đang nhắc đến từ/con "hồ" (cáo) - "hổ". "Hồ" (cáo) có vóc dáng nhỏ bé và thường gắn liền với hình ảnh đa nghi, xảo quyệt, từng xuất hiện rất nhiều trong thơ ca, văn học dân gian. Còn hổ vốn được mệnh danh là "chúa sơn lâm". Tất nhiên độ uy phong của loài này thì khỏi phải bàn.
Theo từ điển Hán Việt, "hồ" (狐) có nghĩa con hồ ly, con cáo. Da cáo dùng may áo ấm gọi là "hồ cừu" (狐裘). Tính cáo đa nghi, cho nên người hay ngờ vực gọi là "hồ nghi" (狐疑). Tục truyền rằng giống cáo tài cám dỗ người, cho nên gọi những đàn bà con gái làm cho người say đắm là "hồ mị" (狐媚).
Từ điển Trần Văn Chánh cũng định nghĩa "hồ" là con cáo, hồ li. Từ điển Nguyễn Quốc Hùng cũng cho biết, từ này chỉ chung loài chồn cáo.
Trong khi đó, từ "hổ" là một từ gốc Hán, người Việt mượn nguyên xi chữ 虎 trong Hán ngữ để tạo ra chữ Nôm 虎 (hổ), nghĩa là con cọp. Có nhiều từ Hán Việt đọc là hổ nhưng nghĩa hoàn toàn khác. Ví dụ: hổ khẩu (虎口) không phải là miệng hổ, mà là chỗ khe giữa ngón tay cái và ngón tay trỏ.
Bích hổ (壁虎) và hiết hổ (蠍虎) là con thằn lằn (thạch sùng); bạo hổ (暴虎) không phải là cọp dữ, mà có nghĩa là "tay không bắt sống được cọp"; yên chi hổ (胭脂虎) là con cọp thoa phấn, dùng chỉ người đàn bà dữ như cọp; long hổ (龍虎) là rồng và cọp, chỉ người vô cùng tài giỏi, song khi nói mã hổ (馬虎) thì không có nghĩa là ngựa và cọp, mà là từ chỉ sự cẩu thả, tùy tiện.
Bạch hổ (白虎) là cọp trắng, vằn đen, song còn nghĩa là hung thần, tên chòm sao bảy ngôi ở phương Tây hoặc tục xưng đàn bà không có lông ở chỗ kín; hổ kình (虎鯨) là tên gọi của một loài cá heo đen lớn (Orcinus orca),...
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn