Hãy thử" động não" với câu đố sau nhé. Nếu đoán ra câu trả lời trong vòng 1 phút thì chứng tỏ bạn có khả năng tư duy và trí tưởng tượng đáng gờm đấy:
"Không tê nghiền nhỏ thức ăn
Có tê thì đến đêm rằm tìm tôi", đố là gì?
Nghe xong câu đố, nhiều người không khỏi ngỡ ngàng thắc mắc: "Tê" là thứ gì vậy? Sao nghe lạ lùng vậy? Thật ra "tê" là cách đọc dân dã của chữ "t". Giờ thì hãy suy luận xem đây là chữ gì?
Xin gợi ý cho bạn một chút! Thứ gì nghiền nhỏ thức ăn, rồi sau đó thêm chữ "t" lại thành đêm rằm? Chắc chắn 2 chữ này có cấu trúc gần giống nhau. Đến đây bạn đã có câu trả lời cho mình chưa? Nếu chưa có thì hãy tham khảo đáp án sau: chữ "răng" và "trăng". Chữ "trăng" khuyết đi chữ "t" thì đích thị là răng – bộ phận để nghiền nhỏ thức ăn rồi.
Cung cấp một chút thông tin thì răng là cấu trúc cứng, vôi hóa nằm trên hàm của nhiều động vật có dây sống, dùng để nghiền nhỏ thức ăn. Một số động vật, nhất là những loài ăn thịt còn dùng răng để làm bị thương con mồi hay tự vệ. Răng không làm từ xương mà từ những lớp mô có nhiều độ đặc, cứng khác nhau. Nướu sẽ phủ quanh chân răng. Cấu trúc răng tổng thể ở mọi động vật dây sống nói chung là tương tự nhau, dù vẫn có sự đa dạng nhất định về hình dáng và vị trí răng.
Trên cơ thể con người, hệ răng là cơ quan đặc biệt có thời gian hình thành dài nhất. Mầm răng được hình thành ngay khi chúng ta còn là phôi thai, ở tuần thứ 6-8 trong bào thai là giai đoạn xuất hiện của mầm răng sữa. Đến tháng khoảng thứ 3-5 dần mầm răng vĩnh viễn cũng hình thành. Nhưng đến năm 17 – 25 tuổi, hệ răng mới hoàn toàn đạt được hình thể sau cùng. Trong quá trình đó, thứ tự mọc răng sẽ trải qua 3 giai đoạn:
- Giai đoạn mầm: Hình thành từ những tế bào biểu mô, ít thay đổi về hình thể và chức năng.
- Giai đoạn mũ: Mầm trong giai đoạn này bắt đầu tăng sinh, hình thành túi răng và tổ chức quanh răng. Số lượng những mạch máu trong nhú răng gia tăng.
- Giai đoạn hình chuông: Mầm răng phát triển liên tục, mô tự biến đổi hình thể tọa nên những hình thái riêng biệt. Đến một giai đoạn thích hợp răng bắt đầu nhú và hoàn tất quá trình hình thành thân răng.
Đó là kiến thức về "răng", còn Mặt trăng thì là vệ tinh duy nhất của Trái đất. Đồng thời là vệ tinh tự nhiên lớn thứ năm trong hệ mặt trời. Cho đến nay, đây cũng là thiên thể duy nhất ngoài Trái đất mà con người đặt chân tới.
Khoảng cách trung bình tính từ tâm của Trái đất tới Mặt Trăng là 384.403 km. Ngoài ra do Mặt trăng là vệ tinh của Trái Đất nên khoảng cách giữa nó với Mặt Trời cũng gần tương đương với khoảng cách từ Trái đất đến Mặt trời, tức là khoảng 150.000.000 km.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn