Tiếng Việt được đánh giá là một trong những ngôn ngữ giàu đẹp bậc nhất. Đó cũng là thứ tiếng được cho là khó học, khiến nhiều khách nước ngoài phải "chào thua". Với 29 chữ cái cùng 5 thanh dấu, tiếng Việt đã tạo nên những câu văn giàu ý nghĩa, biểu đạt trọn vẹn thông tin truyền tải.
Từ hệ thống ngôn từ ấy, người ta còn nghĩ ra cả vạn câu đố thú vị. Trong đó, không thể không nhắc đến những câu đố chữ hấp dẫn. Một câu đố chữ trong chương trình Nhanh như chớp từng khiến người chơi cùng khán giả đứng hình vài giây. Câu đố có nội dung như sau:
"Món ăn nào phải ráng ăn để không thua?".
Nghe xong câu đố này, nhiều người liên tưởng ngay đến những cuộc thi ăn. Tuy nhiên, suy luận như vậy là sai bét nhè. Đây là một câu đố chữ nên bạn cần chú ý đến yếu tố ngôn từ. Dù được MC Trường Giang nhiệt tình gợi ý nhưng người chơi vẫn không đưa ra được câu trả lời.
Đồng nghĩa với "không thua" là từ "thắng". Và đáp án chính xác chương trình đưa ra là: THẮNG CỐ. Nghe đến đây, ai nấy đều phì cười: "Ừ nhỉ, ráng ăn để không thua thì là cố thắng. Mà cố thắng đọc ngược là thắng cố". Câu đố này thật bá đạo, nhiều người nghĩ cả ngày chắc cũng không đoán ra.
Cho những ai còn chưa rõ về món ăn đặc biệt này: Thắng cố là món ăn đặc trưng mang đậm nét văn hóa truyền thống của người dân tộc H'mông. Đây là món ăn có nguồn gốc từ Trung Quốc, sau đó du nhập vào Việt Nam. Món ăn được nhiều người biết tới qua cách chế biến của người dân vùng Tây Bắc.
Thực chất món ăn này là tên gọi khác của thịt ngựa và nội tạng ngựa. Sau dần, người ta sử dụng thịt bò, thịt lợn hay thịt trâu để chế biến. Tính tuổi đời thì món ăn này đã có từ rất lâu đời, khoảng 200 năm trước khi người H'Mông về vùng Tây Bắc cư trú.
Ban đầu không phải ai cũng có đủ dũng khí để thưởng thức thắng cố. Tuy nhiên, nếu bạn đã nếm thử chắc chắn sẽ cảm nhận được hương vị quyến rũ của nó. Cứ hễ nhắc tới vùng Tây Bắc, người ta không thể không nhắc tới món ăn độc đáo này.
Cách nấu thắng cố mỗi vùng một khác. Cách thông dụng nhất là sau khi làm sạch thịt ngựa và nội tạng, người ta sẽ chia thành những miếng nhỏ để ướp gia vị cho ngấm. Sau đó, cho tất cả thịt, nội tạng đã ướp vào nồi nước dùng đã nấu. Nước dùng ở đây được nấu bằng xương ngựa.
Đặc biệt nhất là nồi nước được chế biến từ 12 loại gia vị khác nhau như thảo quả, tiêu, quế chi,... Tất cả các loại gia vị đều mang đặc trưng của vùng núi Tây Bắc. Cách làm thắng cố ngon chính là ở khâu nêm nếm các loại gia vị vừa đủ. Bát thắng cố nóng hổi vừa thổi vừa ăn thật có sức hấp dẫn đối với đông đảo khách thập phương.
Món ăn đặc biệt này là đặc sản của vùng cao, là món ăn không thể bỏ qua mỗi khi đến với núi rừng Tây Bắc.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn