Hãy thử sức với câu đố chữ sau đây nhé, để xem bạn có thể giải được nó trong vòng 1 phút hay không. Nếu đoán đúng đáp án thì chứng tỏ đầu óc bạn "nảy số" cực nhanh đấy:
"Quả gì để nguyên chua ngọt thơm ngon, bỏ sắc cháy khét, xua tay đuổi mùi"
Gợi ý cho bạn, đây là câu đố chữ, nên hãy phân tích từng vế của câu đố này và xem có loại quả nào có vị chua ngọt mà tên gọi khi bỏ "sắc", tức là bỏ dấu sắc thì sẽ thành từ mang nghĩa "cháy khét" không nhé.
Đầu tiên, hãy nghĩ đến những loại quả tên gọi có dấu sắc, vị chua ngọt, chẳng hạn như: Táo, quýt, cóc, dứa, khế,... Nhưng táo bỏ "sắc" thì thành "tao" - không đáp ứng vế 2 của câu đố, "quýt" thành "quyt"- còn chẳng phải là từ có nghĩa, tương tự cóc và "coc" cũng vậy. Dứa thì thành "dưa", chỉ tên một loại quả khác, nhưng khoan, "khế" nếu bỏ dấu sắc ta có từ "khê".
Bạn biết từ này chứ? Khê là một tính từ chỉ tình trạng bị cháy quá, gây ra mùi nồng khét, khó chịu của cơm, cháo. Chúng ta vẫn thường nói "cơm khê", "cháo khê" đó thôi!
Vậy là rõ rồi, đáp án của câu đố này là "quả khế", bỏ sắc đi thành "khê".
Nói về quả khế, dù đã ăn nhiều nhưng không phải ai cũng biết hết những thông tin thú vị về loại quả này đâu nhé. Theo đó, Khế có tên khoa học là Averrhoa carambola, thuộc họ Chua me đất và trong dân gian khế còn được gọi là ngũ liễm tử hay ngũ lăng tử.
Quả khế có 5 múi, khi cắt lát ngang có hình ngôi sao. Quả khế giòn, các hạt màu nâu, nhỏ, khi còn sống quả non có màu xanh và khi chín thì ngả sang màu vàng, có 2 loại là khế chua và khế ngọt, khế chua thì có múi nhỏ hơn và màu xanh đậm hơn, khế ngọt thì múi dày hơn, to hơn.
Trong quả khế có chứa hàm lượng acid oxalic là 1% cùng các yếu tố vi lượng như canxi, sắt, natri và nhiều vitamin A, vitamin C, vitamin B1, vitamin B2 rất tốt cho sức khỏe nếu dùng đúng cách.
Từ xa xưa, quả khế đã được sử dụng trong các bài thuốc chữa bệnh do có một số lợi ích như: Giúp hỗ trợ tiêu hóa, hỗ trợ giảm cân, giúp ngăn ngừa bệnh tim mạch, giúp giảm đau, kháng khuẩn, kháng viêm, trị ho,...
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn