Khác với các ngôn ngữ khác trên thế giới, tiếng Việt có bộ dấu câu đặc biệt. Chỉ cần thay đổi dấu là ta có một từ khác nghĩa hoàn toàn. Đó là chưa kể, tiếng Việt có rất nhiều từ đồng nghĩa, từ bóng, từ lóng... nghe vậy mà không phải vậy. Ngay cả người Việt Nam đôi khi cũng "loạn" hết cả não.
Nếu là một "fan" của chương trình Nhanh như chớp, hẳn bạn không lạ gì những câu hỏi mẹo đánh đố người chơi, và rất nhiều câu hỏi trong đó vận dụng sự đa dạng của tiếng Việt. Nhiều câu đố khiến người ta nghĩ Đông nghĩ Tây cuối, đến khi nghe đáp án thì bàng hoàng, ngơ ngác.
Chẳng hạn với một câu hỏi có nội dung như sau:
Thương gì mà người ta phải tính toán, đong đếm?
Từ "thương" theo tiếng Việt thường dựa trên sự đồng cảm về tâm hồn là chủ yếu nên có thể dùng từ thương để nói về tình cảm của con đối với mẹ, của bạn bè đối với nhau hay cả trong quan hệ vợ chồng, yêu đương. Và tất nhiên, thương yêu vốn là thứ thuộc về tinh thần, không cân đo đong đếm và chẳng liên quan gì đến vật chất. Vậy thì, kiểu thương nào mà lại mang hàm ý đầy... thực dụng như câu hỏi trên?
Đáp án chính là Thương lượng - tức là sự trao đổi, bàn bạc với nhau nhằm đi đến thoả thuận giải quyết một vấn đề nào đó (thường là có liên quan đến quyền lợi giữa các bên) mà không cần sự can thiệp của bên thứ ba. Chẳng hạn thương lượng về giá cả.
Phương thức giải quyết tranh chấp này thường được giới thương nhân lựa chọn mỗi khi có tranh chấp phát sinh, bởi sự đơn giản của phương thức thực hiện, ít tốn kém, lại không bị ràng buộc bởi những thủ tục pháp lý phức tạp, uy tín cũng như bí mật trong kinh doanh được bảo đảm tối đa và mức độ phương hại đến mối quan hệ hợp tác giữa các bên cũng thấp, thậm chí còn tăng cường sự hiểu biết và hợp tác lẫn nhau sau khi thương lượng thành công. Đây là từ đồng nghĩa với đàm phán, thương thảo.
Thế mới thấy, kho từ vựng tiếng Việt phong phú, đa dạng như nào. Chỉ cần ghép các từ vào với nhau là ta đã có thêm 1 từ nghĩa khác hoàn toàn rồi.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn