Tây Ban Nha là một trong những quốc gia có nền văn hóa đặc sắc nhất trên thế giới. Đồng thời đất nước này có nền giáo dục được ví như chuẩn mực tại châu Âu. Ngoài ra, đây là quốc gia có nền kinh tế lớn thứ 9 trên thế giới và thứ 5 tại châu Âu.
Tây Ban Nha cũng là đất nước khá quen thuộc với người Việt Nam. Khi nhắc đến đất nước này, chắc chắn chúng ta sẽ nhớ đến bộ môn thể thao đấu bò tót, điệu nhảy Flamenco và những lễ hội sôi động. Nhưng tại sao đất nuớc này lại có tên gọi là "Tây Ban Nha"? Có bao giờ bạn thắc mắc tên gọi "Tây Ban Nha" ra đời từ khi nào, có ý nghĩa gì? Đây cũng là kiến thức bổ ích, không kém phần thú vị mà nhiều người chưa biết.
Cho những ai chưa biết, tên của đất nước Tây Ban Nha trong tiếng bản xứ là "España". Khi phiên âm từ này, người Trung Quốc đã bỏ "e", giữ lại "spaña" và đọc thành "Xī bān yá" (西班牙), âm Hán Việt là "Tây Ban Nha". Ngoài ra vào thời Nguyễn, Tây Ban Nha còn được gọi là "Y Pha Nho", hẳn dựa trên một lối phiên âm tiếng Trung khác của "España" khi giữ nguyên "e".
Về España, từ này có gốc gác sâu xa từ tiếng Latin Hispania. Bản thân Hispania lại được cho là bắt nguồn từ tiếng Punic "I-Shapan", tức "vùng đất của những loài đa man (một sinh vật gặm nhấm như thỏ, còn gọi là thỏ Địa Trung Hải)".
Tóm lại, tên "Tây Ban Nha" vốn bắt nguồn từ phiên âm tiếng Trung của "España" - tên quốc gia này theo tiếng bản xứ. "España" xét về sâu xa lại có gốc từ "I-Shapan", nghĩa là "vùng đất của thỏ".
Nguồn gốc tên gọi của một số quốc gia khác:
Trung Quốc: Tên gọi chính thức là "Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa". Một số tên gọi khác của Trung Quốc là: Serica, Trung Hoa, Hoa Quốc,… Trong đó, tên gọi "Trung Hoa" được ghép từ 2 tên gọi: Trung Quốc (đất nước nằm ở trung tâm) và Hoa Hạ (dân tộc sinh sống ở núi Hoa, sông Hà).
Nhật Bản: Tên gọi chính thức là "Nhật Bản Quốc". Một số tên gọi khác là: Phù Tang, Nhựt Bổn, Đại Hòa, Oa Quốc, Đông Doanh. Nghĩa của tên gọi quốc gia này là "đất nước của mặt trời; đất nước mặt trời mọc".
Nước Nga: Nước Nga còn có tên gọi là "Rusia" hay "Rossiya" có nguồn gốc từ dân tộc Rus, có nghĩa là "vùng đất của người Rus". Còn tên gọi "Nga" có nguồn gốc tiếng Hán, phiên âm tiếng Việt có nghĩa là "Nga La Tư".
Nước Chile: Tên gọi này được lấy từ "Chilli" trong tiếng của người Mapuche, mang ý nghĩa là "nơi tận cùng của thế giới". Sở dĩ thổ dân bản địa gọi "Chile" là nơi tận cùng vì họ đi bộ từ phía Tây Argetina xuống thì thấy lãnh thổ Chile kết thúc là nhìn ra biển Thái Bình Dương. Ngoài ra nhiều người cho rằng, "Chile" là tiếng gọi bầy của một loài chim ở đây.
Nước Anh: Tên gọi xuất xứ từ "Engla Land" trong tiếng Anh cổ, có nghĩa là "vùng đất của người Angles". Người Angles là một trong những bộ tộc German định cư tại Anh trong thời đầu Trung Cổ. Ban đầu, người Trung Quốc gọi nước này là "Anh Cách Lan". Sau gọi tắt thành: Anh Quốc, nước Anh.
Nước Canada: Nguồn gốc tên gọi quốc gia này có nhiều phiên bản khác nhau. Nhưng theo bản phổ biến nhất, khi nhà thám hiểm người Pháp Jacques Cartier dong thuyền đi qua sông St. Lawrence, hoa tiêu bản địa nói với ông rằng đây là đường để tới Kanta – một ngôi làng. Cartier có lẽ do hiểu nhầm nên gọi vùng đất này là "Canada".
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn