Ai mà không biết tới quần đùi. Đây là những chiếc quần ngắn trên đầu gối, chất vải mỏng, thoáng mát vốn được biến thể từ những chiếc quần dài chúng ta vẫn mặc hằng ngày. Vào những ngày hè nóng nực, những chiếc quần đùi dường như trở thành vật bất ly thân cho bất cứ người nào, kể cả nam lẫn nữ.
Tuy nhiên, bạn có biết, ở một số địa phương, đặc biệt ở miền Nam, quần đùi còn được gọi là quần xà lỏn? Vậy "xà lỏn" là gì?
Thật ra, “xà lỏn” vốn bắt nguồn từ “sarong” trong tiếng Mã Lai (Malaysia). Sarong có nghĩa đen là “vỏ gươm, vỏ dao”, sau được dùng để đặt tên cho một loại trang phục đặc trưng của các dân tộc vùng Đông Nam Á như Indonesia và Mã Lai, Nam Á như Ấn Độ và Sri Lanka, Trung Đông, các quần đảo Thái Bình Dương, một số quốc gia tại Bắc và Tây Phi.
Đây là loại váy ống được quấn từ một mảnh vải thắt quanh eo. Không rõ quốc gia nào đã sáng chế ra trang phục này. Chỉ biết rằng, do nó tiện dụng, dễ may và dễ mặc, nên từ những năm 1300, váy sarong đã được các thương lái Ả Rập buôn bán.
Tại mỗi quốc gia, trang phục truyền thống này có một tên gọi riêng. Chữ xà rông (sarong) trong tiếng Anh ngày nay được mượn từ cái tên Mã Lai, có nghĩa là "để che phủ".
Chắc hẳn vì sarong và quần đùi đều có phong cách đơn giản, thoáng mát nên người ta đã lấy tên của cái này gán vào cái kia. Quần đùi từ đó trở thành quần xà lỏn, còn sarong chính hiệu thì đi vào tiếng Việt theo một lối phiên âm khác là “xà rông”. Ngày nay xà rông vẫn còn được sử dụng phổ biến ở nhiều dân tộc như Chăm, Khơ-me, Mã Lai…
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn