Khi nhắc đến thành ngữ "một nắng hai sương", chắc hẳn nhiều người thắc mắc vì sao nắng chỉ có một mà sương lại có đến hai? "Một nắng" ở đây là nắng gì và "hai sương" gồm những sương nào?
Theo "Việt Nam tự điển" có giảng về một câu thành ngữ tương tự, chỉ thay đổi trật tự các từ. Câu thành ngữ có nội dụng nhưng sau: "Hai sương một nắng: Từ sáng sớm tới buổi tối (buổi sương sáng sớm và buổi sương chiều tối, giữa là trưa nắng). Nghĩa bóng: Cực khổ, vất vả suốt ngày".
Theo tư liệu trên, chúng ta thấy thành ngữ này vốn dùng để chỉ thời gian từ sáng sớm tới tối muộn rồi mới mở rộng ra nghĩa là lao động cơ cực triền miên. Tuy nhiên, một số ý kiến lại cho rằng, cách lập luận này khá khiên cưỡng. Vì theo thứ tự trong câu, ta thấy thời gian nhắc đến sẽ diễn ra theo trình tự "một nắng hai sương" hoặc ngược lại, chứ khó có thể mường tượng được sự chuyển biến "sương – nắng – sương" để cắt nghĩa thành "từ sáng đến tối" được.
Tìm trong kho tàng thành ngữ, tục ngữ Việt Nam, ta thấy có nhiều câu tuân theo cấu trúc "một A một B", trong đó A, B thường là hai trạng thái của cùng một sự việc. Khi quan sát những câu này, ta dễ dàng nhận ra chúng đều mang nghĩa "không A thì B" hoặc "hết A rồi đến B", tức hai trạng thái A và B sẽ luân phiên cho nhau. Dưới đây là một số ví dụ điển hình mà chúng ta thường gặp trong đời sống:
- "Một vừa hai phải": Không vừa thì cũng phải (tức lúc nào cũng vừa phải).
- "Một sống hai chết": Không sống thì chết.
- "Một ngày vãi chài, hai ngày phơi lưới": Được một ngày chịu đi đánh cá kiếm ăn thì hết hai ngày ở nhà phơi lưới ngồi chơi. Câu này chỉ sự lười biếng.
Như vậy, chúng ta có thể hiểu "một nắng hai sương" là "không gặp nắng thì lại gặp sương" hay "hết nắng rồi lại đến sương", chỉ sự lam lũ và cơ cực. Cũng chính vì vậy, ta có thể linh hoạt biến tấu thành "một sương hai nắng", "hai sương một nắng"…
Tới đây, ắt hẳn sẽ có người thắc mắc: Tại sao không dùng cấu trúc "một A một B" mà lại dùng "một A hai B"? Chẳng phải cũng có những thành ngữ theo kiểu "một… một…" như "một mất một còn", "một lòng một dạ"?
Từ nhiều tài liệu đúc kết lại, việc sử dụng "một A hai B" trước là để thuận miệng, sau là để nhấn mạnh: "A và B là hai trạng thái của cùng một sự vật, sự việc sẽ luân phiên cho nhau. Một là A, hai là B". Còn cấu trúc "một A một B" thì không có hàm nghĩa đó, như "một mất một còn" là trạng thái của hai phe khác nhau; "một lòng một dạ" lại là hai biểu hiện đồng thời của cùng một người.
Càng tìm hiểu, chúng ta càng thấy tiếng Việt phong phú và giàu đẹp. Để hiểu nguồn gốc, ý nghĩa sâu xa của một câu thành ngữ/tục ngữ cần sự dày công nghiên cứu nhiều tư liệu khác nhau.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn