Trong kho tàng dân gian, có nhiều câu thành ngữ, tục ngữ, điển ngữ được lưu truyền từ xa xưa. Sau này, chúng đều được sử dụng rộng rãi nhưng ít người biết tới nguồn sâu xa. Chẳng hạn như: "Rồng đến nhà tôm", "Tre già măng mọc", "Chân nam đá chân chiêu", "Nuôi ong tay áo",…
"Rồng đến nhà tôm" cũng là câu nói quen thuộc trong giao tiếp hàng ngày. Câu nói này hàm ý người cao quý đến thăm kẻ thấp hèn. Nhưng có bao giờ bạn thắc mắc vì sao lại nói "rồng đến nhà tôm" mà không phải là "rồng đến nhà rắn" hay một con vật khác không?
Giải thích điều này, theo "Từ điển thành ngữ Tiếng Việt", "rồng đến nhà tôm" thể hiện sự nhún nhường của chủ nhà đối với khách. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, thành ngữ này cũng mang nghĩa châm biếm khi người giàu có, quyền lực lại đến những nơi thấp hèn để tỏ ý nhờ cậy một việc gì đó.
Sở dĩ có yếu tố "rồng" và "tôm" xuất hiện vì thành ngữ này vốn bắt nguồn từ một câu chuyện dân gian từ xa xưa. Chuyện kể rằng:
Ngày xưa, tôm nghe cá chép có tài nên tìm đến kết bạn. Năm đó, Thủy thần mở khoa thi cho muôn loài dưới nước, tôm và cá chép đều đi thi. Biết mình kém tài, tôm bèn nhờ cá chép giúp sức. Cá bảo rằng: "Vậy cứ khi nào tôi nhảy lên thì anh ngậm chặt lấy đuôi của tôi, tự khắc anh sẽ nhảy lên được".
Tôm làm theo lời cá chép dặn nhưng không may, Thủy thần phát hiện ra sự gian xảo nên đã đạp một cái khiến tôm ngã đến còng cả lưng. Chỉ có duy nhất một mình cá chép thi đỗ trong năm ấy và được liệt vào hàng hóa rồng. Sau này, chúng ta thường nói "cá chép hóa rồng" để chỉ những người đỗ đạt cao hay thành công trong cuộc sống.
Quay trở lại câu chuyện, tôm đành chấp nhận số phận, trở về chốn cũ của mình. Năm tháng đi qua, tuy cá chép đã hóa rồng nhưng vẫn luôn nhớ đến tình bạn ngày xưa. Vì vậy, một hôm nó đã hạ cố xuống nhà tôm để thăm bạn.
Được rồng đến chơi, tôm lấy làm vinh hạnh lắm nên bày tiệc rượu vui vẻ mời bạn. Trong buổi tiệc, tôm đã ngâm bài thơ:
"Rồng một bến mà tôm một bến
Đã từ lâu tôm thấy rồng đến
Mừng vui khôn kể bạn đến nhà
Trước sau gì ta vẫn là ta".
Từ đó mà câu thành ngữ "rồng đến nhà tôm" ra đời, và "rồng" chính là từ cá chép hóa thành trong câu chuyện trên. Đây là một câu chuyện ý nghĩa về tình bạn khi "rồng" dù đã ở vị thế cao sang nhưng vẫn nhớ tình xưa nghĩa cũ. Còn "tôm" thì không hề tự ti, mặc cảm về xuất thân hay hoàn cảnh mà vẫn trân trọng tình bạn này. Ấy là lối ứng xử văn hóa mang đậm tình người.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn