Cậu học trò ham sáng chế được vinh danh với thiết bị cảnh báo té ngã

08:09 | 01/10/2017;
Từ sở thích tìm tòi, nghiên cứu khoa học, Nguyễn Hữu Thuận, học sinh lớp 12A11, trường THPT Nguyễn Việt Hồng (Cần Thơ) đã có nhiều sáng chế hữu ích.
Tăng khả năng cứu mạng

Mới đây, thiết bị thông minh theo dõi tim mạch và phát hiện té ngã của Thuận và nhóm bạn vừa giành giải “Cá nhân xuất sắc nhất” trong cuộc thi Young Makers Challenge 2017.

Thuận chia sẻ: Nhiều người sẽ ngạc nhiên khi biết hơn 80% nguyên nhân tử vong trên toàn cầu có liên quan đến bệnh tim mạch. Khi tim mạch bệnh nhân xảy ra sự cố, té ngã thường là dấu hiện nhận biết đầu tiên đối với người xung quanh. Tuy nhiên, vì không được cứu trợ kịp thời nên nhiều người đã tử vong.

20170917_200526.jpg
Từ sở thích tìm tòi, nghiên cứu khoa học, Nguyễn Hữu Thuận đã có nhiều sáng chế hữu ích.

“Chẳng hạn, một bệnh nhân có tiền sử tim mạch, trong một lần đi siêu thị thì bị đau tim và cảm thấy chóng mặt. Ông cố gắng kêu lên nhưng không nói ra tiếng và cứ thế một mình chịu đựng (mất 5 phút).

Khi bệnh nhân ngã xuống, bất tỉnh, mọi người xung quanh mới phát hiện, vội vã tìm cách dìu ông dậy, một lúc sau, xe cấp cứu mới tới. Thế là phải sau khoảng 20 phút, bệnh nhân mới được chuyển vào bệnh viện với nguy cơ tử vong cao”, Thuận phân tích.

Với thiết bị cảnh báo mà Thuận cùng nhóm bạn sáng chế, mọi người có thể giảm thời gian cấp cứu cho bệnh nhân bị sự cố tim mạch xuống chỉ còn 10 phút bằng cách loại bỏ 2 giai đoạn đầu.

Khi tim mạch người bệnh có dấu hiệu bất thường lập tức ứng dụng từ thiết bị sẽ báo động trên điện thoại của người giám sát và họ sẽ đến hiện trường ngay theo chỉ dẫn của ứng dụng. Điều này làm tăng khả năng cứu mạng đáng kể cho bệnh nhân.

Thời gian từ lúc có ý tưởng tới khi hoàn thành thiết bị này, Thuận và các bạn mất khoảng 8 tháng. Ngoại trừ áp lực từ việc học, thi học kỳ, những khó khăn tài chính chu cấp cho dự án, với Thuận, khâu khó nhất chính là làm sao để máy có thể nhận diện chi tiết, chính xác đặc tính của người dùng thiết bị theo từng lứa tuổi và giới tính.

Điều này vô cùng khó bởi với mỗi đối tượng lại đòi hỏi cách đo khác nhau. Chẳng hạn, đối tượng nữ trưởng thành với nam giới lớn tuổi có chỉ số khác nhau hoàn toàn nên thiết bị cũng phải đáp ứng mọi phân loại đối tượng. 

Tuy khó nhưng cả nhóm không hề thấy nản, thậm chí, càng nghiên cứu, sáng chế lại càng say mê hơn. Thuận và các bạn đã tự học và tự mày mò viết ứng dụng web, học cách thiết kế mạch vi điều khiển cho sản phẩm và tìm nhà đầu tư để có thể sản xuất và đưa sản phẩm vào cuộc sống trong tương lai.

Thiết bị ưu việt

Thuận cho biết: Ở Nhật Bản, những sản phẩm IoT (Internet of Things) nhằm phục vụ cho đời sống, y tế, sản xuất, tài chính như thế này rất được ưa chuộng và người tiêu dùng sẵn sàng bỏ nhiều tiền để được sử dụng. Qua tìm hiểu, Thuận rất tự tin vì hiện chưa có thiết bị thông minh nào tương tự như thiết bị mà Thuận và các bạn đã sáng chế.

“Hiện tại, các thiết bị y tế về cảnh báo và theo dõi tim mạch, té ngã trên thế giới thường chia thành 2 loại là di động, giống như thiết bị đeo và người dùng tự theo dõi chỉ số bản thân, tự rèn luyện (đồng hồ Apple) và thiết bị tại chỗ, không di chuyển, phạm vi hoạt động phát hiện cảnh báo chỉ trong không gian riêng (phòng riêng, nhà tắm, văn phòng…).

Hệ thống camera xử lý hình ảnh trong nhà sẽ cảnh báo khi có người té ngã. Trong khi đó thiết bị thông minh của Thuận và các bạn lại hoạt động theo mô hình di động như thiết bị đeo, người dùng được đội ngũ giám sát chuyên nghiệp theo dõi chu đáo 24/24h và phạm vi hoạt động là mọi nơi. Theo Thuận, đó chính là ưu việt và sự khác biệt của thiết bị cảnh báo này.

Thiết bị thông minh theo dõi tim mạch và phát hiện té ngã của Thuận và nhóm bạn vừa giành giải “Cá nhân xuất sắc nhất” trong cuộc thi Young Makers Challenge 2017 được tổ chức hàng năm do Young Makers, một tổ chức phi lợi nhuận phát động với sứ mệnh là kết nối, truyền lửa và phát triển những tiềm năng nghiên cứu khoa học. Phần thưởng chính là chuyến đi trải nghiệm thực tế tại Thung lũng Silicon (Mỹ).

Thuận đã được tham quan văn phòng của Google, Facebook, Airbnb, Applied Materials và LinkedIn, gặp gỡ những nhân vật tài năng với tinh thần khởi nghiệp, ý tưởng sáng tạo tuyệt vời có sức ảnh hưởng tới cả thế giới. Chuyến đi không chỉ giúp Thuận mở rộng thế giới quan mà còn rút ra nhiều bài học bổ ích như không có việc gì quá xa vời hay vượt tầm, vấn đề là chúng ta hãy hành động.

Trước đây, Thuận từng sáng chế nhiều sản phẩm khác, song đa số là phần mềm ứng dụng trên di động. Chẳng hạn ứng dụng “Trắc nghiệm tiếng Anh” được xuất bản vào tháng 5/2017 cho Android. 

Hiện tại, Thuận thực hiện dự án mang tên “Lắp đặt hệ thống tự động theo dõi độ xâm nhập mặn vùng đồng bằng sông Cửu Long” với ý tưởng lắp đặt những sensor theo dõi độ mặn, hiển thị tại chỗ cho nông dân theo dõi, đồng thời gửi dữ liệu về trang web quản lý cho sử dụng trong những nghiên cứu học thuật. 

Dự án đã được Sở Tài nguyên Môi trường Sóc Trăng chấp thuận đầu tư và triển khai.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn