Câu chuyện của tử tù Hồ Duy Hải gây băn khoăn cho nhiều người trong suốt hơn 10 năm qua.
Câu hỏi lớn nhất tại sao một vụ án hình sự có hậu quả nghiêm trọng, dẫn đến cái chết của 2 người, tuy nhiên có thể khẳng định trên phương diện tội phạm học là một vụ án không quá phức tạp lại có thể kéo dài tới hơn 10 năm?
2 nạn nhân chỉ là những người bình thường, quan hệ không quá phức tạp, vụ việc không liên quan đến tài sản lớn... thậm chí ngay là bị cáo cũng là một người bình thường, trẻ tuổi. Tất cả những yếu tố trên cho thấy việc làm rõ động cơ mục đích phạm tội là không quá khó khăn như những vụ án phức tạp khác.
Nhưng vụ án này vẫn kéo dài đến hơn 10 năm, thậm chí ngay cả khi bản án đã có hiệu lực pháp luật, bị cáo bị kết án tử hình nhưng hình phạt vẫn không thể thi hành và đến nay lại phải mở một phiên tòa giám đốc thẩm.
Hơn 10 năm - đó là một khoảng thời gian khủng khiếp đối với bị cáo Hồ Duy Hải.
Với những vụ án hình sự nghiêm trọng khác, nhất là với tội giết người, cơ quan điều tra đều nhanh chóng làm rõ nội dung vụ án, củng cố hồ sơ và đưa bị cáo ra xét xử kịp thời. Cho dù đó là những vụ án đặc biệt nghiêm trọng làm chết nhiều người, trước những chứng cứ vững chắc, nội dung vụ án được làm sáng tỏ, các kết luận hợp tình hợp lý và đúng pháp luật, các bị cáo đều phải thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội. Họ cũng chấp nhận những hình phạt mà Hội đồng xét xử đưa ra.
Điều đó cũng đồng nghĩa, bản thân bị cáo cũng tâm phục khẩu phục chấp hành hình phạt cho dù là hình phạt cao nhất. Gia đình người bị hại cũng có thể khép lại nỗi đau mất mát và dư luận xã hội cũng cảm thấy yên lòng.
Nhưng hơn 10 năm với vụ án của Hồ Duy Hải đồng nghĩa những người trong cuộc chưa thể nào "yên lòng". Giả sử bị cáo có tội, anh ta vẫn có quyền được áp dụng đúng pháp luật, được xét xử một cách công bằng. Còn trong trường hợp bị oan, điều đó thật là quá khủng khiếp với sức chịu đựng của một con người. Đằng sau Hồ Duy Hải còn là gia đình người thân, nhất là người mẹ ruột hơn 10 năm qua chỉ sống với một hoạt động duy nhất: kêu oan cho con mình.
Bên cạnh đó, gia đình của 2 nạn nhân cũng trăn trở với nỗi đau khôn nguôi với vết thương chưa thể lành miệng và cả sự nghi ngờ đâu là thủ phạm thực sự của vụ án.
Công lý khi được thực thi sẽ là liều thuốc tốt nhất để khép lại những đau thương mất mát do hành vi phạm tội gây ra.
Mặc dù đã có 2 phiên tòa được diễn ra nhưng tại 2 phiên tòa đó, rất nhiều vấn đề có ý nghĩa quan trọng, nếu không nói là quyết định đến vụ án, chưa được xem xét một cách đầy đủ trong quá trình tố tụng trước đó: Nhân chứng duy nhất được cơ quan tiến hành tố tụng triệu tập và lấy lời khai đã khẳng định quan điểm của mình hoàn toàn khác với lời khai trong hồ sơ, những vật chứng quan trọng như hung khí gây án (dao và thớt) đã không được thu thập đúng thủ tục, trình tự pháp luật, thậm chí có dấu hiệu cho thấy cơ quan điều tra đã "bỏ quên" những vật chứng này và thay vào đó bằng vật chứng... mua ngoài chợ, những dấu vân tay không được giám định đầy đủ, hồ sơ về việc cơ quan tiến hành tố tụng làm việc với những nghi phạm khác đã không được đưa vào hồ sơ...
Trước đó, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga (sau này là Chủ nhiệm Ủy ban) đã trực tiếp nghiên cứu hồ sơ vụ án Hồ Duy Hải và bà Nga cũng đã có bản kiến nghị khẳng định vụ án có đầy đủ 4 cơ sở để kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, dù pháp luật quy định chỉ cần 1 trong 4 cơ sở đó cũng là đủ để cơ quan có thẩm quyền ra quyết định.
Trong khoa học pháp lý, có một khái niệm đó là niềm tin nội tâm. Theo đó, những người tiến hành tố tụng có thể căn cứ vào niềm tin của bản thân mình và tiến hành những hoạt động nhằm chứng minh niềm tin đó. Liên quan đến vụ án Hồ Duy Hải, nhiều người tham gia tố tụng đã khẳng định niềm tin nội tâm của họ cho rằng Hải là thủ phạm của vụ án.
Tuy nhiên, cũng liên quan đến quá trình tố tụng hình sự, nguyên tắc suy đoán vô tội từ lâu đã được cụ thể hóa trong các đạo luật và được quy định trong các bản Hiến pháp qua các thời kỳ. Theo nguyên tắc này, mọi công dân chỉ bị coi là có tội khi có bản án có hiệu lực pháp luật của tòa án có thẩm quyền tuyên là có tội và việc truy tố xét xử phải được thực hiện đúng trình tự thủ tục mà pháp luật quy định.
Công lý chỉ được tôn vinh khi nó được thực hiện một cách đúng pháp luật.
Sáng 14/1/2008, dư luận chấn động trước thông tin 2 nữ nhân viên của Bưu điện Cầu Voi (đóng tại ấp 5, xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An) bị sát hại dã man ngay tại nơi làm việc.
Đến ngày 21/3/2008, Cơ quan điều tra tỉnh Long An khởi tố, bắt tạm giam Hồ Duy Hải (23 tuổi, ngụ ấp 1, xã Nhì Thành, huyện Thủ Thừa).
Ngày 1/12/2008, TAND tỉnh Long An tuyên án tử hình đối với Hồ Duy Hải về 2 tội giết người và cướp tài sản. Ngày 28/4/2009, tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP.HCM bác kháng cáo, y án tử hình đối với Hồ Duy Hải.
Sau bản án tử hình, Hồ Duy Hải làm đơn gửi Chủ tịch nước xin ân giảm hình phạt tử hình.
Tuy nhiên, ngày 24/5/2011, Chánh án TAND tối cao có quyết định không kháng nghị giám đốc thẩm; ngày 24/10/2011, Viện trưởng Viện KSND tối cao cũng có quyết định không kháng nghị giám đốc thẩm.
Từ đó, ngày 17/5/2012, Chủ tịch nước có quyết định bác đơn xin ân giảm hình phạt tử hình của Hồ Duy Hải.
Đến ngày 4/12/2014, mẹ ruột của Hồ Duy Hải nhận được thông tin sẽ thi hành án tử hình đối với Hồ Duy Hải vào ngày 5/12/2014.
Bất ngờ, trong ngày 4/12/2014, Văn phòng Chủ tịch nước có văn bản yêu cầu tạm dừng thi hành án để xem xét rõ trường hợp Hồ Duy Hải có bị kết án oan, sai hay không, theo đơn kêu oan của mẹ "tử tù" Hồ Duy Hải cùng luật sư hỗ trợ pháp lý cho "tử tù" này.
Ngày 4/12/2014, Hội đồng thi hành án tử hình Long An ra quyết định hoãn thi hành án tử hình đối với Hồ Duy Hải.
Ngày 22/11/2019, Viện trưởng Viện KSND tối cao ban hành quyết định kháng nghị giám đốc thẩm, đề nghị HĐTP TAND tối cao xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm, hủy toàn bộ bản án sơ thẩm và phúc thẩm đã tuyên bị án Hồ Duy Hải tử hình, để điều tra lại.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn