Bạn đã từng nghe qua các câu hỏi phỏng vấn kì quặc này chưa? Chẳng hạn: "Chọn một thành phố và ước tính có bao nhiêu người điều chỉnh dây đàn piano hoạt động kinh doanh ở đó?" - Đây là câu hỏi phỏng vấn vị trí quản lý dự án của Google.
“Bạn sẽ lấy bao nhiêu tiền thù lao cho việc lau chùi tất cả các cửa sổ ở thành phố Seattle (Mỹ)?” - Ứng viên nộp đơn vào vị trí hoạt động bán hàng trực tuyến của công ty Facebook phải trả lời câu hỏi này. Hay, “Bạn muốn trở thành loài cây gì?” là câu hỏi mà công ty mạng máy tính Cisco hỏi các ứng viên vị trí người viết mảng kỹ thuật cao cấp.
Trên thực tế, tuyển dụng nhân sự ngày nay không còn tập trung 100% là những màn đối thoại giữa ứng viên và doanh nghiệp về nhân thân, kinh nghiệm, bằng cấp,... nữa. Thay vào đó, nhiều công ty luôn đổi mới phương thức tuyển dụng sao cho trong quá trình phỏng vấn tìm ra được người hội tụ những yêu cầu cần thiết về tư duy logic, khả năng giải quyết vấn đề, sắp xếp công việc,...
Đó là lý do khi phỏng vấn, đôi khi chúng ta gặp một số người phỏng vấn kỳ quặc và bị hỏi đủ loại câu hỏi kỳ lạ.
Tiểu Vi (Trung Quốc) là một sinh viên đại học vừa mới tốt nghiệp. Sau nhiều lần ứng tuyển, cuối cùng cô cũng nhận được lời mời phỏng vấn từ một công ty yêu thích.
Trải qua hai vòng bài kiểm tra, chỉ có ba người được vào vòng phỏng vấn cuối cùng và Tiểu Vi là một trong số đó. Phụ trách phỏng vấn là một người đàn ông trung niên nhìn có vẻ rất nghiêm túc. Sau khi đọc hồ sơ, trước tiên ông hỏi một số câu cơ bản. Tiếp đó, ông bất ngờ hỏi một câu rất kỳ quặc: Điều gì khi đánh mất, mọi người đều rất vui?
Ba người tìm việc nhìn nhau, tự hỏi người phỏng vấn hỏi câu này là có ý gì. Một lúc sau, ứng viên đầu tiên là một sinh viên năm cuối trả lời: "Tôi nghĩ nó giống như bài tập về nhà. Không có bài tập về nhà hẳn nhiều người trong chúng tôi rất nhẹ nhõm". Người phỏng vấn nghe xong lắc đầu.
Người thứ hai đã có thâm niên trong công việc. Sau khi nghe câu hỏi, cô vừa bực mình vừa sửng sốt, không khỏi buột miệng: "Tôi nghĩ rằng câu hỏi không liên quan đến vấn đề bán hàng, liệu phòng nhân sự có nhầm lẫn gì chăng?". Người phỏng vấn không trả lời, để cô gái ra ngoài chờ kết quả.
Cuối cùng đến lượt Tiểu Vi trả lời. Nghe một chủ đề kỳ lạ như vậy nhưng cô vẫn bình tĩnh, ngay lập tức viết câu hỏi xuống, sau đó suy nghĩ 10 giây, nói rằng: "Tôi nghĩ đó là một thói quen xấu, nếu một khi nó mất đi, mọi người chắc hẳn rất vui mừng".
Người phỏng vấn bật cười hài lòng sau khi nghe câu trả lời EQ cao của Tiểu Vi. Ông nói: "Tôi hy vọng bạn sẽ thay đổi những thói quen xấu của mình trong tương lai để tất cả chúng ta đều vui vẻ. Xin chúc mừng, bạn đã được nhận".
Trong công việc hiện đại, khả năng ứng phó tại chỗ là một trong những khả năng được ưa thích nhất của các công ty lớn. Vì vậy ở một cuộc phỏng vấn, ai chủ động hơn và có khả năng ứng biến sẽ có khả năng thành công cao hơn. Khi đứng trước một câu hỏi có vẻ không liên quan công việc, hãy suy nghĩ câu trả lời theo cách chứng minh một kỹ năng hoặc điểm mạnh bạn có là được.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn