Bệnh nhân H., chia sẻ: "Cách đây 2 tháng, tôi có quan hệ tình dục không dùng bao cao su với bạn gái. Lúc đó, tôi không nghĩ nhiều và không biết bạn gái đang bị giang mai. Sau đó khoảng 1 tuần, cô ấy nói với tôi tình trạng bệnh. Tôi đã rất sốc và đi khám ngay nhưng nhận kết quả âm tính. Tôi chủ quan, không đi kiểm tra lại. Tới khi xuất hiện tiểu buốt, tiểu rắt và chảy dịch, tôi mới đi khám lại".
Sau đó, bác sĩ Lan Anh chỉ định bệnh nhân thực hiện xét nghiệm và khám tổng quát các bệnh lý lây truyền qua đường tình dục... Kết quả xét nghiệm của bệnh nhân H. cho thấy, H. dương tính với xoắn khuẩn giang mai Treponema pallidum. Sau đó, bác sĩ đã kê đơn, điều trị ngoại trú cho bệnh nhân và hẹn tái khám.
Giải thích thêm về việc bệnh nhân 2 tháng sau khi quan hệ tình dục mới phát bệnh, bác sĩ Lan Anh chia sẻ: Giang mai có thể diễn biến thầm lặng nhiều năm mà không có triệu chứng. Đó gọi là giang mai kín. Thời gian ủ bệnh có thể kéo dài 3-90 ngày. Điều này làm cho người mắc giang mai lầm tưởng mình đã khỏi bệnh, từ đó quan hệ tình dục với vợ/bạn tình mà không sử dụng biện pháp an toàn, vô tình lây bệnh, thậm chí có thể lây truyền cho thế hệ sau (nếu vợ/bạn tình đang mang thai).
Khi xâm nhập vào cơ thể, xoắn khuẩn giang mai sẽ phải mất một khoảng thời gian để vào máu, sau đó mới tác động đến các vị trí tổn thương và có các biểu hiện của bệnh.
Theo bác sĩ Lan Anh, bệnh giang mai có những biểu hiện tương ứng với từng giai đoạn. Tuy nhiên, có một số biểu hiện như đau nhức đầu không rõ nguyên nhân, vận động khó khăn, hành vi có sự thay đổi, dễ nhầm lẫn với bệnh khác. Vì vậy, người dân cần lưu ý những dấu hiệu trên cơ thể theo từng giai đoạn bệnh như sau:
- Xuất hiện các vết loét nhỏ: Khi các vết loét xuất hiện ở các vị trí như cơ quan sinh dục nam/nữ, vùng hậu môn, trực tràng... thì có thể là triệu chứng ban đầu của bệnh giang mai.
- Nổi ban: Cơ thể nổi lên những đốm ban có màu đỏ hoặc nâu đỏ sần sùi trong lòng bàn chân, bàn tay và một số bộ phận khác. Những đốm này có hình dạng, kích thước như đồng xu mà không gây cảm giác ngứa, kèm theo triệu chứng như sốt, nổi và sưng hạch, rụng tóc. Đây có thể là biểu hiện của bệnh giang mai giai đoạn 2.
- Các triệu chứng ở giai đoạn nặng: Liệt người, điếc, mù mắt, rối loạn thần kinh... Lúc này, xoắn khuẩn Treponema pallidum đã đi sâu vào cơ quan nội tạng (tim, gan, phổi), thậm chí ảnh hưởng lên não. Giai đoạn này nếu không được điều trị sớm, người bệnh sẽ gặp phải hậu quả khó lường.
Để bảo vệ sức khỏe và hạn chế bệnh lây truyền qua đường tình dục (lậu, giang mai, chlamydia, viêm gan B, HIV...), bác sĩ Lan Anh khuyến cáo: Tất cả các cặp đôi nên kiểm tra sức khỏe trước kết hôn; thực hiện lối sống lành mạnh, chung thủy một vợ, một chồng. Đồng thời thực hiện quan hệ tình dục an toàn (sử dụng bao cao su). Không sử dụng chung vật dụng cá nhân như khăn tắm, bàn chải đánh răng... tránh trường hợp dịch nhầy, máu, mủ có xoắn khuẩn giang mai của người bệnh lây cho người lành.
"Để phòng trường hợp mắc giang mai bẩm sinh, người mẹ cần kiểm tra sức khỏe trước khi mang thai, nếu phát hiện giang mai thì không nên có kế hoạch mang thai. Nếu đang mang thai mà bị giang mai, bà bầu cần tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ. Trong trường hợp này, mẹ bầu cần sinh mổ để tránh lây nhiễm cho con. Bên cạnh đó, cần khám sức khỏe định kỳ 6 tháng/lần để phát hiện sớm và điều trị kịp thời các vấn đề sức khỏe, trong đó có giang mai", bác sĩ Lan Anh khuyến cáo.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn