Câu nói của bố mẹ gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng với trẻ

20:13 | 26/02/2023;
Câu nói này của cha mẹ không có lợi cho quá trình trưởng thành của trẻ.

Hầu hết khi nóng giận, các ông bố bà mẹ đều nói với con những câu đại loại như: "Bố/mẹ đếm đến 3, nếu con không nín thì ăn đòn", "Mẹ đếm đến 3 mà vẫn chưa làm thì liệu hồn"… Đây là câu nói thúc ép trẻ. 

Trong vài lần đầu áp dụng biện pháp này, trẻ sẽ thực hiện theo bố mẹ. Nhưng đây không phải là cách dài lâu bởi về sau gây phản tác dụng. Trẻ sẽ không còn nghe lời, thậm chí có hành vi chống đối. Nguy hiểm hơn, lời nói: "1, 2, 3" tưởng chừng vô hại nhưng lại ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lý của trẻ. 

Tác hại của việc bố mẹ thường đếm "1, 2, 3!"

1. Sự chờ đợi của việc đếm đến 3 khiến nỗi sợ hãi tăng cao

Có một đứa trẻ đang chơi điện thoại, người mẹ thấy vậy liền nói: "Mẹ đếm đến 3, nếu con chưa ngồi vào bàn ăn thì liệu hồn". Đếm số thứ nhất, đứa trẻ dừng chơi game, rụt rè nhìn mẹ, đặt điện thoại xuống. Đếm số thứ 2, đứa trẻ đứng dậy đi về phía bàn ăn. Đếm số thứ 3, đứa trẻ ngồi ngoan ngoãn trên ghế, lấm lét nhìn mẹ. 

Chúng ta chẳng khó bắt gặp những câu chuyện tương tự. Cách này có vẻ đem lại hiệu quả, khiến trẻ nghe lời lập tức nhưng về sau gây rắc rối. Một nhà tâm lý học từng nói: "Khi trẻ đang đắm chìm vào thế giới của riêng mình sẽ không muốn bị quấy rầy. Nếu cha mẹ đếm từ 1-3 sẽ nhanh chóng kéo trẻ ra khỏi thế giới đó và gây tổn thương đến cảm xúc, chẳng hạn như khiến trẻ sợ hãi".

Đừng bao giờ nói: "Bố/mẹ sẽ đếm đến 3" – Tác hại cực nghiêm trọng mà bạn không biết - Ảnh 1.

Việc đếm "1, 2, 3!" mà các bậc phụ huynh thường áp dụng có thể gây tổn thương tâm lý cho trẻ. (Ảnh minh họa)

Đếm từ 1-3 mang lại cho chúng ta cảm xúc bất an, thấp thỏm giống như việc đang xem bộ phim kinh dị vậy. Điều đáng sợ nhất không phải là cảnh cuối cùng nhìn thấy mà là sự chuẩn bị và chờ đợi rất lâu trước đó. Khi đếm từ 1-3, nhịp tim của trẻ sẽ đập nhanh hơn bình thường, cảm giác sợ hãi đến bóp nghẹt vì trẻ không biết điều gì sẽ xảy đến ở giây tiếp theo.

Sống trong sự sợ hãi lâu ngày, trẻ trở nên kém tự tin, mặc cảm và dùng hết năng lượng tâm lý để đấu tranh lại bố mẹ, thay vì thư giãn hay thỏa sức khám phá những điều mới lạ.

Như vậy, nếu cha mẹ tiếp tục áp dụng cách đếm này để bắt trẻ làm theo ý mình sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất và cả tinh thần. Điều này không có lợi cho quá trình trưởng thành của trẻ.

2. Đếm từ 1-3 khiến trẻ gặp khó khăn trong việc nhận ra nguyên tắc và ranh giới

Tiến sĩ Montessori khuyên các bậc phụ huynh cần thiết lập cho trẻ một số nguyên tắc nhất định. Những nguyên tắc không tự nhiên được hình thành hay lĩnh hội như người lớn mà cần thông qua công việc. Việc trẻ phải trải qua nhiều lần mới hiểu rõ và có được ranh giới cho mình. 

Nhưng nếu bố mẹ dùng cách đếm từ 1-3 để áp đặt trẻ thực hiện một việc nào đó sẽ khiến trẻ không hiểu lý do phải làm. Trẻ vẫn thực hiện nhưng không hiểu bản chất vấn đề, vô tình bỏ qua những quy tắc. Và những lần sau, trẻ tiếp tục mắc lỗi sai tương tự. 

Dần dần, trong đầu trẻ hình thành quá tính: Không suy nghĩ nhiều, không cần quan tâm mọi thứ xung quanh, chỉ khi nào bố mẹ đếm đến 3 thì mình mới cần lưu ý. Như vậy, trẻ chẳng những khó học được tính tự giác mà còn hình thành thói quen xấu là thiếu nguyên tắc. 

Đừng bao giờ nói: "Bố/mẹ sẽ đếm đến 3" – Tác hại cực nghiêm trọng mà bạn không biết - Ảnh 2.

Ảnh minh họa.

Vậy đâu là cách cha mẹ khiến trẻ nghe lời?

"Không đếm từ 1-3 thì đâu là cách giúp trẻ nghe lời tức khắc?", đây là băn khoăn của không ít phụ huynh. Nếu bạn đang loay hoay trước vấn đề này thì có thể tham khảo những cách hay dưới đây.

- Lấy ví dụ minh họa cho trẻ dễ hiểu: Con người tiếp nhận hơn 90% thông tin từ thế giới bên ngoài thông qua thị giác. Vì thế, chúng ta dễ dàng ghi nhớ những điều quan sát được. Thay vì đếm từ 1-3, cha mẹ có thể chỉ ra ví dụ cụ thể để trẻ hiểu và thực hiện theo. 

- Khuyến khích trẻ bằng những từ khóa ngắn: Trong trường hợp trẻ không nghe lời, thay vì đếm từ 1-3, cha mẹ có thể dùng những cụm từ/câu ngắn gọn để hướng dẫn trẻ. Chẳng hạn các bậc phụ huynh có thể đưa ra lời khuyên: "Con đi rửa tay trước khi ăn nhé!", "Con hãy treo áo khoác đúng nơi quy định", "Hãy dừng lại việc chơi game"… 

- Tạo cơ hội cho trẻ hoạt động trong cuộc sống hàng ngày: Các hoạt động hàng ngày là nền tảng quan trọng để trẻ hình thành ý thức về trật tự và an toàn. Chẳng hạn bố mẹ có thể hướng dẫn con làm việc nhà, chăm sóc bản thân, tham gia thể dục thể thao… Những điều này đều mang lợi ích lớn cho sự phát triển của trẻ. 

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn