Tại lễ trao giải thưởng "Nữ Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu - Cúp Bồng Hồng vàng" được tổ chức cuối năm 2021, chị Nguyễn Thị Thanh Hương tạo ấn tượng với những người xung quanh bằng tà áo dài vàng nổi bật. Chị giới thiệu: Đây là bộ áo dài của cán bộ ngành bưu điện, những người đang ngày đêm làm cây cầu kết nối những mối quan hệ xã hội, tình cảm, kinh tế...khắp các vùng miền. Đây không chỉ là niềm tự hào của cá nhân tôi mà còn là niềm tự hào của cả ngành, đặc biệt là những nữ nhân viên bưu điện.
"Yên Bái là một tỉnh miền núi, điều kiện kinh tế xã hội còn nhiều khó khăn, địa bàn rộng, dân cư thưa thớt, nhiều dân tộc thiểu số sinh sống, đời sống người dân nhiều nơi trong tỉnh còn nghèo và lạc hậu. Gần 30 năm gắn bó với ngành, dù ở cương vị công tác nào tôi cũng luôn trăn trở, tâm huyết, đồng hành cùng người lao động, tạo không khí thi đua trong đơn vị và cống hiến để Bưu điện được chính quyền và người dân tin tưởng, gắn bó", chị Thanh Hương chia sẻ.
Để khắc phục những hạn chế, khó khăn trong công việc, chị không nề hà bất cứ công việc gì, từ trực tiếp sản xuất để chỉ đạo hỗ trợ anh em công nhân vận chuyển hàng hóa, đến ra từng bưu cục, điểm giao dịch, bưu điện văn hóa xã để kiểm tra, hướng dẫn giao dịch viên hay tư vấn cho khách hàng.
Chúng tôi đã thích nghi với hoàn cảnh bằng cách thực hiện các livestream trên mạng xã hội, đổi mới kinh doanh từ tổ chức dịch vụ cho nhóm khách hàng lớn sang các nhóm nhỏ. Lực lượng bán lẻ đã tỏa đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng khách hàng để phục vụ cho từng người tiêu dùng. Vì vậy, dù dịch bệnh, nhưng hoạt động kinh doanh, sản xuất vẫn luôn được duy trì, đảm bảm đời sống của người lao động, trong đó có khoảng 79% là lao động nữ”
Giám đốc bưu điện tỉnh Yên Bái Nguyễn Thị Thanh Hương
Khi dịch Covid-19 bùng phát, công việc kinh doanh của các ngành nghề đều gặp nhiều khó khăn. Chị Thanh Hương chia sẻ: "Dịch bệnh diễn biến phức tạp, việc đi lại, giao thương bị hạn chế, các dịch vụ của bưu điện tỉnh Yên Bái đều bị ảnh hưởng, doanh thu giảm sút. Trước thực tế đó, tôi và tập thể đã tìm cách, đưa ra nhiều giải pháp linh hoạt trong kinh doanh phù hợp với thị trường và khách hàng. Cụ thể như: chỉ đạo để toàn bộ lực lượng bán hàng ứng dụng công nghệ và mạng xã hội trong tổ chức bán hàng với mục tiêu vừa chống dịch, vừa phát triển sản xuất kinh doanh, đảm bảo đời sống, việc làm cho người lao động".
Bên cạnh đó, chị Thanh Hương đã tham gia, trực tiếp kết nối với các doanh nghiệp, hộ sản xuất nông nghiệp tại địa phương, hỗ trợ bà con đưa các sản phẩm, đặc biệt là các đặc sản địa phương, sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử Postmart.vn của Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam để hỗ trợ tiêu thụ như sản phẩm chè Suối Giàng, Trà táo mèo, tinh dầu quế, miến đao Giới Phiên, gạo nếp Tú Lệ, bưởi Đại Minh… Dù dịch Covid-19 gây ảnh hưởng tới chuỗi cung ứng hàng hóa giữa các địa phương, nhưng nhờ "cây cầu" nối từ những cán bộ bưu điện, đã góp phần thúc đẩy kinh tế nông nghiệp, nông thôn, giúp bà con có thu nhập ổn định, thoát nghèo bằng chính những sản phẩm của quê hương mình.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn