Cây bút nữ 9X viết tiểu thuyết lịch sử vì quá yêu văn hóa Việt

11:17 | 16/08/2024;
Nguyễn Hà Việt Chi sinh năm 1999, hiện sinh sống và làm việc tại Hà Nội. Từ những ngày vừa bước chân vào Đại học, cô đã được cộng đồng biết tới bởi loạt sáng tác lấy cảm hứng từ lịch sử được đăng tải trên mạng xã hội. Năm 2024, Việt Chi ra mắt tiểu thuyết đầu tay mang tên “Như Sơ”, nhận được sự quan tâm của đông đảo độc giả.

+ Điều gì đã thôi thúc bạn viết "Như Sơ" - một tác phẩm lãng mạn lấy cảm hứng từ lịch sử dân tộc?

Ý tưởng khiến tôi đặt bút viết "Như Sơ" đến từ câu nói của Chiêu Minh Đại vương Trần Quang Khải nhắn gửi đến phu nhân Phụng Dương của mình, vào giây phút bà sắp từ giã trần thế vì trọng bệnh. Nguyên văn câu nói đó là: "Lai sinh chi nhật, nguyện vi phu phụ như sơ" (tạm dịch: Nếu có kiếp sau, mong được làm vợ chồng như xưa).

Khi biết tới câu chuyện này, tôi đã luôn tự hỏi: Như xưa là như thế nào, tình yêu của hai người ra sao mà đến cuối đời vẫn lưu luyến, nhắn nhủ, mong cầu vào kiếp sau để nên duyên lần nữa? Mong muốn đi tìm câu trả lời, tôi đã bắt tay vào tìm hiểu và viết nên tiểu thuyết đầu tay.

+ Nhân vật chính được nhắc tới trong tiểu thuyết là công chúa Phụng Dương - con ruột của Tướng quốc Thái sư Trần Nhật Hiệu. Đâu là điểm độc đáo của nhân vật lịch sử này?

Ngay từ đầu, tôi đã quyết định sẽ bám sát theo tư liệu lịch sử, không thay đổi tên, không lấy nguyên mẫu cho nhân vật hư cấu. Tôi biết tới công chúa Phụng Dương và cuộc hôn nhân của công chúa qua tác phẩm "18 vị công chúa Việt Nam" mua ở gần Đền Trần (Nam Định). 

Sau này, khi tìm kiếm tư liệu, tôi cũng tham khảo thêm các bài viết khác về công chúa, Chiêu Minh Đại vương trên internet. Tuy nhiên, khi xây dựng tác phẩm, chủ yếu tôi dựa theo thông tin trên "Văn bia thờ Công chúa Phụng Dương", đây là văn bia được lập 2 năm sau khi công chúa mất (bia được lưu giữ ở đình Cao Đài, Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định). Người lập bia chính là chồng của bà - Trần Quang Khải.

Từ nội dung ghi trên bia, ta không chỉ thấy được khát quát về cuộc đời Công chúa Phụng Dương, mà còn biết được những phẩm chất tốt đẹp của bà. Theo như bia ghi lại, Công chúa hiền hậu, thông minh từ bé, được nhà vua yêu quý nhận nuôi. 

Lớn lên, khi được gả cho Chiêu Minh Đại vương, Công chúa hết mực yêu thương chồng con, không ghen ghét ganh tỵ với thứ thiếp, đối với người ăn kẻ ở trong nhà luôn khoan dung, nhẹ nhàng chỉ bảo. Công chúa còn là một người rất dũng cảm, sẵn sàng lấy thân mình che chắn cho chồng khi có nguy nan. 

Cây bút nữ 9X viết tiểu thuyết lịch sử vì quá yêu văn hóa Việt- Ảnh 1.

Năm 2024, Việt Chi ra mắt tiểu thuyết đầu tay mang tên “Như Sơ”

Đối với cha mẹ, bà một lòng hiếu thuận. Chính Chiêu Minh Đại vương đã nhận xét về phu nhân của mình rằng: Làm điều thiện, nói điều nhân, sống nết na, chết lưu danh, vượng phu ích tử.

+ Để viết tiểu thuyết lịch sử, người viết chắc phải dành thời gian tìm hiểu về những ngôn từ cổ. Bạn đã tìm hiểu chúng như thế nào?

Tôi chủ yếu tìm hiểu và khám phá qua những cuốn sách. Một số đầu sách mà tôi hay tham khảo là "Ngàn năm áo mũ", "Đất lề quê thói", "Phong tục Việt Nam", "Việt Nam văn hóa sử cương", chắt lọc từ "Đại Việt sử ký toàn thư"… 

 Ngoài ra, tôi cũng tham khảo thêm các tác phẩm cùng thể loại của những tác giả khác để học tập... Đôi khi, thông tin còn được tôi trau dồi từ những lần xem chèo, tuồng cùng ông bà nội. Hay trong các bữa cơm gia đình, tôi cũng thường hỏi ông bà những câu chuyện xưa. 

Những lần trò chuyện như vậy đã giúp ích cho tôi không chỉ về vốn từ, mà còn khiến tôi đắm chìm trong những không gian xưa.

+ Ở tuổi ngoài 20, tại sao bạn lại chọn đề tài lịch sử?

Khi bắt tay vào sáng tác, tôi không nghĩ nhiều như vậy. Đơn giản là tôi luôn cảm thấy lịch sử, văn hóa nước mình rất đẹp. Có những câu chuyện thú vị nằm ngoài chương trình học trong sách giáo khoa, sẽ rất tuyệt nếu như câu chuyện đó được phổ biến rộng rãi hơn, nhiều người biết đến hơn. 

Tôi rất mong một phần của lịch sử đó sẽ khiến bạn đọc, đặc biệt là giới trẻ, thêm hứng thú tìm hiểu về lịch sử, văn hóa nước nhà. Các bạn sẽ thấy lịch sử không chỉ có những con số khô khan hay sự kiện khó nhớ nữa, các nét văn hóa không còn xa lạ nữa. 

Bên cạnh đó, những năm gần đây, độc giả đã cởi mở hơn với thể loại truyện lấy cảm hứng lịch sử. Đó là cũng là một điểm tạo động lực cho tôi, giúp tôi can đảm hơn khi lựa chọn thể loại này.

+ Nét riêng trong các tác phẩm của bạn là gì?

Khi cầm bút, tôi luôn nhắc nhở mình rằng, mình là người Việt Nam, viết truyện lấy cảm hứng từ lịch sử Việt Nam và viết bằng tiếng Việt. Bên cạnh câu cú, từ ngữ, cách diễn đạt, tôi chú trọng sử dụng các hình ảnh Việt, lồng ghép các nét văn hóa dân gian sao cho bối cảnh tạo ra đúng là ở Việt Nam. Độc giả khi đọc có thể cảm nhận và đắm chìm trong đó.

+ Cảm ơn những chia sẻ của bạn!

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn