Nellie Bly, tên đầy đủ là Elizabeth Cochrane Seaman, là nhà báo, nhà sáng chế và nhân viên từ thiện người Mỹ. Bà sinh ngày 5/5/1864 ở Cochran’s Mills, nay thuộc ngoại ô Pittsburgh, Pennsylvania (Mỹ). Thời trẻ, bà tình cờ đọc bài viết "Con gái thì giỏi cái gì" trên báo Pittsburgh Dispatch, khẳng định phụ nữ nên tập trung vào vai trò làm vợ, làm mẹ, thay vì những việc quan trọng của đàn ông.
Với bút danh "Cô gái mồ côi cô đơn" (Lonely Orphan Girl), bà đã viết bài báo đòi quyền bình đẳng giới, đáp trả lại quan điểm và gửi bài cho tờ báo nói trên. Sau khi đọc bài viết, tổng biên tập George Madden vô cùng ấn tượng, mời bà đến tòa soạn làm việc. Sau khi được nhận vào làm việc cho Pittsburgh Dispatch, bà đã lấy bút danh là "Nellie Bly", lấy cảm hứng từ bài hát nổi tiếng "Nelly Bly" của Stephen Foster.
Nellie Bly bắt đầu viết những bài báo điều tra về công việc của phụ nữ trong các nhà máy. Các phóng sự điều tra nhập vai của bà về cuộc sống công nhân đã thu hút sự chú ý của các doanh nghiệp địa phương.
Song Tổng biên tập tờ Pittsburgh Dispatch không muốn chọc giận giới thượng lưu của Pittsburgh nên phân công bà đảm nhận trang hôn nhân gia đình, thời trang, xã hội và làm vườn. Điều này không hợp với sở trường nên Nellie Bly đã bỏ việc, đi du lịch với tư cách là một phóng viên nước ngoài. 6 tháng ở Mexico, bà đã viết nhiều bài báo lên án chế độ độc tài. Chính quyền Mexico đe dọa sẽ bắt giữ nên bà đã nhanh chóng trở về Pittsburgh.
Sau đó, bà chuyển đến New York và được nhận vào làm việc tại tờ New York World. Đây là lúc bà bắt đầu thực hiện phóng sự nổi tiếng của mình: Điều tra về những tin đồn xoay quanh nhà thương điên Lunatic tại đảo Blackwell, nay được gọi là đảo Roosevelt. Tổng biên tập John Cockerill chết lặng trước đề nghị của bà vì công việc thực tế rất nguy hiểm. Bà đã dành 3 ngày liên tục tập trước gương những hành vi của kẻ tâm thần, sau đó thuê nhà tại khu ổ chuột. Nellie chấp nhận thử thách này, giả vờ bị điên để được đưa vào trại tâm thần.
Trong 10 ngày "nằm vùng" trong nhà thương điên Lunatic tháng 9/1887, Nellie Bly cho biết những câu chuyện về việc bệnh nhân bị đánh đập, trói lại, bị dội nước lạnh vào người là hoàn toàn có thật. Những cô gái phải ngồi trên ghế cứng suốt nhiều tiếng đồng hồ trong điều kiện tay chân bị trói. Bệnh nhân cũng bị bắt ăn những thức ăn ôi thiu, bánh mì cứng như đá và uống nước bẩn. Điều kiện sống không khác gì địa ngục trần gian. Những căn phòng tràn ngập chất thải và gián, chuột, y tá cư xử hợm hĩnh và bạo lực.
Nellie phát hiện ra rằng, đa số phụ nữ được đưa tới đây không hoàn toàn bị điên. Nhiều người bị đưa vào đây chỉ bởi vì họ quá nghèo hay không nói tốt tiếng Anh. Nellie kể rằng nhiều bệnh nhân cũng tìm cách trốn thoát bằng cách nói với những người thăm viếng việc họ bị đánh đập, bạo hành. Tuy nhiên, các bác sĩ không tin họ và nói họ bị điên.
Cuối cùng, hình phạt cho họ là những chuỗi ngày tra tấn dai dẳng. Sau 10 ngày giả vờ bị điên, luật sư của tờ New York World đã đến để đưa bà Nellie thoát ra ngoài. Câu chuyện của bà đã được chia sẻ trong cuốn tiểu thuyết mang tên "10 ngày trong nhà thương điên" và tờ New York World đã đăng tải liên tục 6 phần tháng 10/1887, được độc giả đánh giá cao. Phóng sự nhanh chóng đưa Nellie Bly trở thành một "hiện tượng" báo chí nổi tiếng nước Mỹ. Phương pháp tiếp cận thực tế của Nellie Bly đã phát triển thành một phương thức hiện được gọi là báo chí điều tra.
Loạt phóng sự của Nellie Bly đăng tải, không chỉ bệnh viện tâm thần trên đảo Blackwell bị đóng cửa và toàn bộ ban giám đốc, nhân viên y tế tại cơ sở bị kỷ luật. Phóng sự của Nellie Bly đã gióng lên hồi chuông về vấn đề an toàn cho bệnh nhân trong bệnh viện. Chính phủ Mỹ đã vào cuộc điều tra với kết luận "nhiều bệnh nhân trông bề ngoài dường như hoàn toàn khỏe mạnh nhưng tình trạng bệnh thì thật khủng khiếp". Nhờ điều tra của bà, chính quyền New York phải thành lập quỹ 1 triệu USD để chăm sóc những người mất trí và kể từ đó chất lượng trong trại thương điên Lunatic đã được cải thiện đáng kể.
Kể từ đó, danh tiếng của bà Nellie lan ra toàn cầu. Câu chuyện về bà sau đó đã được dựng lên thành bộ phim "American Horror Story" (Câu chuyện kinh dị Mỹ). Bà trở thành một hình mẫu cho nữ quyền, một nhà hoạt động tích cực vì quyền phụ nữ. Những năm sau đó, bà tiếp tục viết về nghèo đói, phanh phui việc xâm hại phụ nữ của các nam sĩ quan cảnh sát, vạch trần các chính trị gia tham nhũng.
Chưa hài lòng với phóng sự "10 ngày trong nhà thương điên", Nellie Bly lại tiếp tục ý tưởng phá kỷ lục cuốn sách "80 ngày vòng quanh thế giới" của Julius Verne. Bà muốn chứng minh rằng, phụ nữ cũng có khả năng đi du lịch.
Cuối năm 1888, với số tiền 1.000 USD tạm ứng của tòa soạn New York World, phóng viên 24 tuổi này một mình lên đường. Nellie Bly thực hiện chuyến đi bằng xe lửa, tàu thủy... Bà lần lượt ghé qua Anh, Pháp, Sri Lanka, Trung Quốc, Nhật Bản và Singapore... Cứ 2 ngày, bà lại đều đặn gửi bài viết về những gì được chứng kiến trên chặng đường đã qua.
Ngày 25/1/1889, sau 72 ngày, 6 giờ, 11 phút và 14 giây, Niellie Bly đã cập bến New York, về trước cả đồng nghiệp Elizabeth Bisland tới 4 ngày. Sự thành công của chuyến đi khiến bà trở thành nhân vật nổi tiếng toàn cầu.
Trong Chiến tranh thế giới thứ nhất, bà đã đến châu Âu với tư cách là phóng viên chiến trường đầu tiên của thế giới. Nellie Bly vẫn viết báo cho đến khi bà qua đời vì bệnh tim và viêm phổi ngày 27/1/1922 ở tuổi 57. Trong một chuyên mục xuất bản một ngày sau khi bà qua đời, phóng viên nổi tiếng Arthur Brisbane đã gọi bà là "phóng viên giỏi nhất nước Mỹ".
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn