Cay đắng sau cú 'ngã ngựa' của những nữ lãnh đạo thế giới

10:00 | 28/04/2018;
Theo các nhà phân tích chính trị, việc nữ Tổng thống Brazil Dilma Rousseff bị phế truất, nữ Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra bị buộc rời nhiệm sở hay nữ Thủ tướng Australia Julia Gillard… bị lật đổ đều mang động cơ chính trị và họ trở thành nạn nhân của tình trạng phân biệt giới tính. Sau bản án nghiêm khắc mới đây dành cho nữ cựu Tổng thống Hàn Quốc, đường quan lộ với nữ chính trị gia tại nhiều nước càng trắc trở và nhiều cay đắng.
Nạn phân biệt giới trong chính trường
 
Cựu Thủ tướng Australia Julia Gillard đã làm được điều mà người tiền nhiệm Kevin Rudd từng thất bại như việc thông qua thuế carbone đánh vào các doanh nghiệp gây ô nhiễm. Thế nhưng, người ta thường dùng những tiêu chuẩn của nam giới khi đánh giá tài năng lãnh đạo của phụ nữ và họ cố ý làm ngơ những thành quả đáng kể của bà Gillard. 
3-julia-gillard.jpg
Cựu Thủ tướng Australia Julia Gillard 
Ngay trong cuộc phỏng vấn cuối cùng trước khi bị lật đổ ngày 26/6/2013, bà Gillard đã lên tiếng tố cáo cuộc chiến chính trị về bình đẳng giới giữa các đảng phái đã bóp chết sự nghiệp của bà. Thời gian bà Gillard cầm quyền giai đoạn 2010 - 2013 đã bị “bắn phá” tan nát bởi sự kỳ thị giới nhắm vào người phụ nữ đầu tiên làm thủ tướng.
 
Bà trở thành nạn nhân của những lời bình luận và hành vi xúc phạm, trong đó có những trò châm chích của phe đối lập bảo thủ vào từng chi tiết về quần áo, đời sống riêng đều bị soi xét. Theo bà, phụ nữ tham gia vào chính trị phải đối mặt với những rào cản vô hình về giới.
 
Với cựu Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra, chương trình trợ cấp giá gạo đã giúp bà Yingluck giành được sự ủng hộ của hàng triệu người nông dân, giúp bà thẳng tiến lên chiếc ghế quyền lực cao nhất trong cuộc bầu cử năm 2011, trở thành nữ Thủ tướng đầu tiên của đất nước Thái Lan. Tuy nhiên, chương trình trợ cấp giá lương thực cũng được cho là đã gây ra tổn thất ít nhất 4,4 tỉ USD cho Thái Lan.
4-yingluck-shinawatra.jpg
Cựu Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra vẫn giành được nhiều tình cảm của người dân
 
Đây chính là kẽ hở để phe đối lập tận dụng tấn công khiến chính quyền của bà Yingluck đã sụp đổ tháng 5/2014, mở đường cho chính quyền quân sự lên tiếp quản quyền lực. Cựu nữ Thủ tướng Yingluck khẳng định, những cáo buộc nhằm vào bà đều mang động cơ chính trị. Với nhiều người, bà Yingluck là một phụ nữ cố kiến tạo hòa bình cho đất nước kể từ khi bà lên nắm quyền tháng 8/2011.
 
Từ năm 2008 đến nay, chỉ có chính phủ của bà mới có thể điều hành trong một thời gian hòa bình dài như vậy. Các kết quả tốt nhất mà chính phủ của bà làm được là cuộc chiến chống ma túy, việc xây dựng các mối quan hệ quốc tế, tăng lương tối thiểu, quyết định cung cấp giáo dục miễn phí và cải cách toàn bộ cơ sở hạ tầng giao thông vận tải của đất nước. Bà cũng đã khởi xướng một chương trình truyền hình thực tế “Người phụ nữ Thái thông minh” nhằm trao quyền cho phụ nữ trẻ nước này.
 
“Bị truất quyền Tổng thống còn đau hơn tra tấn” là lời than thở đầy chua chát của cựu Tổng thống Brazil Dilma Rousseff khi bị phế truất ngày 12/5/2016 sau khi nhậm chức nhiệm kỳ 2 kéo dài 4 năm từ ngày 1/1/2015. Bà khẳng định chưa hề nhận hối lộ và thề sẽ chiến đấu đến cùng. Một loạt các tổ chức quốc tế, trong đó có Tổ chức các nước châu Mỹ (OAS) cũng đã lên tiếng bày tỏ lo ngại về quá trình luận tội bà Dilma Rousseff.
untitled-1.jpg
Nét mệt mỏi trên khuôn mặt bà Dilma Rousseff - cựu Tổng thống Brazil 
Nhiều người cảm thấy bất an với cách bà Rousseff ra đi và một số đối thủ còn thừa nhận bà là một chính trị gia ít tham nhũng nhất Brazil. Đến nay, vẫn còn tồn tại ý kiến cho rằng nỗ lực luận tội bà Rousseff của phe đối lập không phải là một cuộc chiến chống tham nhũng ở Brazil mà thuần túy mang động cơ chính trị. Người phụ trách quá trình luận tội bà Rousseff, Chủ tịch Hạ viện Eduardo Cunha bị buộc tội tham nhũng.
 
Ngay cả người kế nhiệm Michel Temer cũng dính líu đến đại án tham nhũng Petrobras. Bất kể những cáo buộc lạm quyền, thao túng, bà Rousseff lại được nhiều người ủng hộ, đánh giá cao về vấn đề nhân quyền, đặc biệt với phụ nữ và người da màu cũng như thành tựu về xóa đói giảm nghèo, bảo vệ trẻ em, thanh thiếu niên và quyền được tiếp cận dịch vụ y tế và nhà ở của người dân...
 
Khó tránh bê bối tham nhũng
Bà Cristina Fernandez Kirchner (65 tuổi) là Tổng thống Argentina liên tiếp 2 nhiệm kỳ sau khi chồng bà kết thúc nhiệm kỳ năm 2007. Năm 2015, bà buộc phải từ chức sau 12 năm cầm quyền. Ngày 7/12/2017, Thẩm phán liên bang Carlos Bonadio đã ra lệnh bắt giữ bà Kirchner với cáo buộc phản bội Tổ quốc và bao che một nhóm người Iran bị buộc tội dính líu vụ đánh bom ở Buenos Aires làm 85 người chết năm 1994.
 
Vụ đánh bom vào một trung tâm của cộng đồng người Do Thái ở Thủ đô Buenos Aires ngày 18/7/1994 khiến 85 người chết và 300 người bị thương. Bà cũng phải đối mặt với một số cáo buộc khác liên quan đến các cuộc điều tra tham nhũng. Phản đối mọi cáo buộc, bà Cristina nói rằng vụ truy tố mang động cơ chính trị.
 
Cựu Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye cũng đối mặt với vụ bê bối chính trị khi bị phế truất từ tháng 3/2017 và bị giam giữ trong gần một năm qua. Ngày 6/4/2018, trong phiên xử được truyền hình trực tiếp, Tòa án quận trung tâm Seoul tuyên án cựu Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye 24 năm tù giam và chịu phạt khoản tiền 18 tỷ won (khoảng 17 triệu USD).
5park-geun-hye.jpg
Cựu Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye bị tòa tuyên án 24 năm tù giam
 
Mới đây nhất, ngày 23/3/2018, bà Ameenah Gurib-Fakim (59 tuổi) - một nhà khoa học có tiếng, Tổng thống quốc đảo Mauritius - cũng phải từ chức do vướng phải bê bối tài chính và bị cáo buộc sử dụng thẻ ngân hàng do một tổ chức cung cấp để chi trả cho việc mua sắm cá nhân. 
7-ameenah-gurib-fakim.jpg
Bà Ameenah Gurib-Fakim - cựu Tổng thống quốc đảo Mauritius 
Bà Ameenah Gurib-Fakim không chỉ là nữ Tổng thống đầu tiên của đất nước Mauritius, kể từ khi đảo quốc này giành được độc lập từ Anh vào năm 1968 và trở thành nước cộng hòa vào năm 1992 mà còn là nữ Tổng thống duy nhất ở châu Phi tính đến thời điểm hiện nay.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn