Cấy đổi công giúp kịp mùa vụ, gắn kết cộng đồng của đồng bào Lự ở Lai Châu

10:13 | 27/08/2023;
Ngày nay, người dân tộc Lự ở xã Bản Hon (huyện Tam Đường, Lai Châu) có rất nhiều lao động đã lựa chọn đi về các tỉnh miền xuôi làm công nhân, dẫn đến sự thiếu hụt lao động trong sản xuất nông nghiệp ở các hộ gia đình. Giải pháp cho vấn đề lao động mùa vụ được người dân đưa ra là “Cấy đổi công”.

Cấy đổi công giúp nâng cao hiệu quả sản xuất

Cứ vào vụ cấy lúa, người dân ở xã Bản Hon, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu, lại tổ chức làm giúp nhau luân phiên hết nhà nọ sang nhà kia, theo hình thức “cấy đổi công”. Ngày hôm nay tập trung cấy giúp cho nhà này, ngày mai lại tập trung cấy cho nhà khác, Cứ thế, cho đến khi công việc cấy hái của tất cả các gia đình trong thôn bản cùng hoàn thành đúng dịp mùa vụ mới thôi.

Cấy đổi công - Giải pháp sản xuất của phụ nữ người dân tộc thiểu số - Ảnh 1.

Chị em người Lự ở xã Bản Hon, huyện Tam Đường đi cấy đổi công cho nhau

Chị Lò Thị Bình ở bản Thẳm, xã Bản Hon, chia sẻ: “Bây giờ các gia đình đều ít người lao động, nhiều lao động trẻ đã đi làm công nhân xa nhà, nên vào vụ cấy thì nhà nào cũng ít người. Các gia đình trong bản phải làm giúp lẫn nhau, thì mới nhanh được. Hôm nay mình đi cấy cho nhà người ta, ngày mai nhà người ta đi cấy cho nhà mình, cứ thế cùng nhau làm thì nó nhanh và vui, người đi cấy cũng không thấy chán thấy mệt như lúc làm một mình”.

Bà Lò Thị Mịch, ở bản Thẳm, cho biết: “Nhà tôi có 5 sào cấy lúa, nhưng bây giờ chỉ có 3 người làm, vì hai người con đi làm công nhân ở Bắc Ninh. Mỗi khi vào vụ cấy tôi lại đi cấy đổi công với các gia đình anh em trong bản. Khi đến lượt nhà mình cấy, thì anh em lại về làm giúp cho nhà mình.Nhà nào cũng như vậy thôi, khi nhà nào xong cấy sẽ làm bữa cơm mời anh em về ăn cơm vui vẻ, ở đây nhà nào cũng làm như vậy, nên ai cũng vui vẻ, làm việc không biết mệt. Không bị chậm mùa lúa”.

Cấy đổi công - Giải pháp sản xuất của phụ nữ người dân tộc thiểu số - Ảnh 2.

Những vạt lúa xanh mướt mát trên những thửa ruộng bậc thang ở vùng đồng bào người Lự, huyện Tam Đường, Lai Châu.

Góp phần nâng cao sự gắn kết trong cộng đồng

Bà Tao Thị Kẻo, Chủ tịch Hội LHPN xã Bản Hon, cho biết: “Đối với địa phương chúng tôi, thì sản xuất canh tác lúa gạo vẫn luôn là cây trồng không thể thiếu của người dân, để đảm bảo an ninh lương thực cho cuộc sống của các gia đình. Nên nhà nào cũng cấy lúa trên các diện tích ruộng từ xưa".

Tuy nhiên, do ngày nay nhiều gia đình bị thiếu lao động, do họ lựa chọn các công việc khác, nên việc thiếu lao động vào mùa vụ là có, đặc biệt là vào vụ cấy lúa. Nên người dân lựa chọn cách làm đổi công lẫn nhau. Để đảm bảo vào vụ cấy hái luôn đạt được hiệu quả, mùa vụ thì kịp thời, bà Keo cho biết thêm.

Cấy đổi công - Giải pháp sản xuất của phụ nữ người dân tộc thiểu số - Ảnh 3.

Cánh đồng lúa chĩu bông, thể hiện sự đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau của cộng đồng người Lự

Bà Lò Thị Đi, cán bộ Văn hóa xã Bản Hon, cho hay: Cấy đổi công ở đây là do người dân họ tự thỏa thuận, nên họ không mất chi phí thuê mướn nhân công. Việc này vừa giúp giảm chi phí sản xuất, lại vừa tạo ra sự đoàn kết, sự gắn kết giữa các hộ gia đình trong cộng đồng. Nếu không làm theo kiểu đổi công, mà đi thuế người về cấy thì sẽ làm chi phí sản xuất lúa tăng cao. Vì sản xuất lúa bây giờ chi phí nhiều, nếu cái gì cũng đi thuê thì lỗ vốn. Nên họ chỉ thuê máy gặt thôi, còn cấy hái thì chị em trong thôn, trong bản tự đổi với nhau. 

Chị Lò Thị Hiếng, ở thôn Đông Pao 1, cho biết: “Cấy đổi công thì không chỉ ở trong làng, trong bản đổi với nhau, mà người ở bản này qua đổi cho người ở bản kia cũng được. Cứ là chị em họ hàng, bạn bè mà thống nhất được với nhau thì cũng đổi công được cho nhau hết. Năm nào mình cũng đổi công cho nhà em gái ở dưới bản Thẳm, làm như thế nó mới nhanh, không bị chậm mùa vụ”.

Cấy đổi công - Giải pháp sản xuất của phụ nữ người dân tộc thiểu số - Ảnh 4.

Cấy đổi công giúp nâng cao hiệu quả sản xuất, đảm bảo tiến độ mùa vụ

Ông Nguyễn Đình Thượng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tam Đường, cho biết: Cấy đổi công đang là một phương pháp hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp ở địa phương xã Bản Hon, nó không chỉ riêng xã này, mà phương pháp này đã và đang được người dân ở các xã khác áp dụng. Nó giúp tiết giảm chi phí sản xuất, nâng cao hiệu quả lao động. Vì một người, một nhà làm thì sẽ lâu, nhưng nhiều người, nhiều nhà tập trung với nhau cùng làm thì nó sẽ nhanh và hiệu suất lao động cũng cao hơn rất nhiều. 

Điều quan trọng, chính là mùa vụ xuống giống được kịp thời, đồng bộ. Giúp cho việc chăm sóc cây lúa sinh trưởng đồng bộ đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh cũng ổn định hơn. Đây là mô hình hay, càn khuyến khích người dân nhân rộng, không chỉ trong vụ mùa cấy hái, mà ở mọi công việc trong sản xuất lao động, cũng nên áp dụng mô hình này. 

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn