Thời nào cũng vậy, con người luôn coi đôi mắt là "cửa sổ tâm hồn". Ngay từ buổi bình minh của nền văn minh nhân loại hiện đại, con người luôn tìm cách làm cho đôi mắt và lông mi của họ đẹp hơn.
1. Các cuộc khai quật khảo cổ cho thấy con người ở một số nền văn minh cổ đại đã sử dụng bụi đá quý để điểm trang cho mắt và môi. Thời Ai Cập cổ đại, năm 3.500 TCN - 2.500 TCN, việc những người đàn ông ra đường với hàng mi long lanh rợp bóng không có gì lạ lẫm. Bởi việc sử dụng một số loại chất bảo vệ mắt và thuốc mỡ trên đôi mắt không chỉ có tác dụng làm đẹp mà còn để xua đuổi tà ma, chống lại sự kích ứng của ánh sáng mặt trời và môi trường sa mạc khắc nghiệt.
Không chịu thua kém, phụ nữ cũng sử dụng bột đá lông công để làm đẹp cho mi mắt và tin rằng chất khoáng này còn có tác dụng khiến đàn ông không thể đứng ngồi trước sức hấp dẫn về mặt tính dục. Người Ai Cập cổ đại tin rằng chiều dài lông mi bằng 1/3 độ dài đôi mắt là hợp lý để chuyển luồng không khí giúp mắt không bị khô. Dĩ nhiên, giới quý tộc thừa thời gian và công sức để tìm cách làm đẹp và bảo vệ đôi mắt. Họ dùng xương và ngà voi để làm dụng cụ chuốt mi mắt. Qua thời gian, người Ai Cập tin rằng sự tự tin bắt nguồn từ thời trang. Họ biến hóa không ngừng chất trang điểm mi mắt từ than củi cho đến bồ hóng, mật ong, phân cá sấu… miễn sao đôi mắt đủ hấp dẫn với người đối diện.
2. Người La Mã cổ đại, từ năm 753 trước Công nguyên đến 476 sau Công nguyên cũng tin rằng hàng lông mi dài, dày và cong là một trong những tiêu chuẩn hàng đầu của cái đẹp. Than củi được sử dụng để trang điểm mắt.
Hơn hết, hàng mi rợp bóng mơ màng là xác tín cho sự trong trắng của người phụ nữ bởi như nhà triết học La Mã Pliny the Elder cho rằng việc quan hệ tình dục vô độ sẽ phá hỏng vẻ đẹp nguyên sơ của bộ lông mi. Trang điểm mi mắt trở thành một trong những nghi lễ thời trang và tôn giáo. Đáng buồn thay, sau sự sụp đổ của Rome, châu Âu rơi vào thời kỳ đen tối, thời điểm mà mỹ phẩm được xem là vật phẩm phù phiếm giàu có và quyền lực.
3. Đến thời Trung cổ, từ năm 1066 đến 1485 bỗng dưng trán lên ngôi, trở thành tiêu chuẩn đánh giá vẻ đẹp và sự gợi tình của nữ giới. Vậy là lông mi, lông mày bị phụ nữ thời này cạo sạch. Mãi tới năm 1533 đến 1603, dưới thời trị vì của Nữ hoàng Elizabeth, mái tóc vàng óng của bà trở thành xu hướng. Nhiều phụ nữ rủ nhau nhuộm lông mi cho tiệp màu tóc. Vì quan niệm thời đó cho rằng nhuộm lông mi hơi kỳ quái nên các bà các cô thường lẳng lặng sử dụng các loại quả mọng nghiền nát và bồ hóng quét được từ lò sưởi để có bộ lông mi màu vàng bắt trend.
4. Thời đại Victoria, 1837 đến 1901 còn được gọi là thời đại lãng mạn. Phụ nữ thời này mất khoảng vài tiếng mỗi ngày để trang điểm gương mặt, trong đó không thể bỏ qua việc chải chuốt cho hàng mi. Ngành mỹ phẩm làm đẹp xuất hiện bên cạnh những phương thức tự chế đồ trang điểm mắt truyền tai. Cây mascara đầu tiên được Eugène Rimmel, từng là chuyên gia làm đẹp của Nữ hoàng Victoria, phát minh vào năm 1913. Thành phần làm nên cây mascara này chủ yếu là bụi than và thạch Vaseline. Từ đây, nhiều nước châu Âu thay đổi cách nhìn về mascara. Thay vì mỉa mai đó là một loại nước xốt hay một loại mỹ phẩm lang băm, người châu Âu đã phải thán phục khi chiêm ngưỡng sản phẩm của TL Williams, nhân vật đã rạo ra thương hiệu May Mayine nổi tiếng với các sản phẩm mascara.
5. Những năm 1900, cùng với việc đạo diễn phim người Mỹ David W. Griffith phát minh ra bộ lông mi giả để tạo ra hiệu ứng rung rinh cho các nữ diễn viên phim câm, nữ giới vẫn kiên trì trên hành trình tự chế ra mỹ phẩm cho bộ lông mi thật của mình từ những gì họ tìm thấy trong thiên nhiên. Tới năm 1917, doanh nhân người Mỹ, Thomas Lyle Williams đã '6Càm việc với một nhà sản xuất thuốc để tìm ra "Lash-Brow-Ine", một công thức làm từ thạch dầu mỏ và dầu để chuốt lên lông mi. Đây cũng là quà tặng vị doanh nhân dành để an ủi em gái Maybel, lúc bấy giờ đang bị thất tình. Từ đây thương hiệu Maybelline (được ghép từ tên Mabel và vaseline) ra đời.
Từ chất làm dày lông mi tới lông mi giả và sau đó là dụng cụ uốn lông mi (kurlash) ra đời vào năm 1931. Phái nữ nợ William McDonell một lời cảm ơn cho phát minh bằng thép không gỉ này. 2 năm sau, thuật ngữ mascara ra đời và Maybelline tung sản phẩm ra các nhà thuốc với giá bán 10 xu/ sản phẩm. Nhân vật góp phần lớn vào việc quảng bá và tiếp thị mascara ra toàn thế giới là Helena Rubinstein (1870 - 1965), một trong những phụ nữ giàu nhất thế kỷ 20. Cũng không thể không nhắc tới công đưa nghệ thuật trang điểm mi mắt lên đỉnh cao của các nữ diễn viên điện ảnh trong hai thập niên từ 1930 đến 1950.
6. Những thập niên 40, 50 của thế kỷ trước, vẽ mắt mèo và hàng mi cong là xu hướng trang điểm thịnh hành. Công thức mascara chống thấm nước đã được giới thiệu và trở nên rất phổ biến. Tuy vậy mascara chỉ thực sự có hình dạng như ngày hôm nay, chất lỏng chứa trong một dụng cụ hình ống với cây đũa hình xoắn ốc vào năm 1958. Thương hiệu đứng sau sáng tạo này là Revlon, một "ông lớn" trong ngành mỹ phẩm. Chỉ 2 năm sau, Revlon tiếp tục trình làng công thức màu mascara độc quyền mang tên "Brush on Mascara" với màu sắc pha trộn giữa màu hoa cà và màu xanh đậm. Công thức màu này mang lại cho phái nữ một hàng mi dày rợp, ấn tượng pha chút ma mị.
Năm 1971, Maybelline Great Lash tiếp bước Revlontung ra thị trường loại mascara gốc nước, một dạng mascara đến ngày nay vẫn phổ biến và được ưa chuộng nhất. Kế đó, những năm 1980, 1990, Max Factor khắc phục nhược điểm nhòe của mascara và từ đây màu sắc của dụng cụ quét mi ngày càng đa dạng hơn. Hiện tại các thương hiệu mỹ phẩm lớn nhất hành tinh như L’ancome, L’Oréal, Yves Saint Laurent, NYX Doll Eye Mascara, Max Factor đều coi mascara là sản phẩm chiến lược.
Xung quanh dụng cụ chuốt mi mắt mascara còn có nhiều điều thú vị. Ví như thuật ngữ mascara được cho là bắt nguồn từ tiếng Tây Ban Nha, tiếng Bồ Đào Nha và tiếng Ý, màscara và maschera, có nghĩa là mặt nạ hoặc vết bẩn. Cũng có ý kiến cho rằng mascara bắt nguồn từ chữ "mascare" có nghĩa là "làm đen". Tại sao cứ chuốt mascara là lại phải há miệng kỳ khôi? Đây là một phản ứng tự nhiên, được khoa học gọi là "mascara mouth". Điều quan trọng nhất là ngày nay, mascara đã trở thành một món đồ không thể thiếu của từ các bậc thầy trang điểm tới những người mới tập tành làm đẹp.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn