Cây gạo làng tôi

19:29 | 31/03/2022;
Cây gạo ở ngã 3 làng không biết có tự bao giờ. Bà nội tôi kể khi bà về làng làm dâu thì đã thấy cây gạo to lớn như thế này rồi. Cây gạo cao to sừng sững cành lá xum xuê tỏa ra một khoảng đất rất rộng. Những cái gai to già nua đã rụng dần để lại một lớp da sần sùi loang lổ.

Gốc gạo đã trở thành một địa danh, chỗ tụ họp và địa điểm để hò hẹn, chờ đợi nhau. Chúng tôi đi học thường hẹn chờ nhau ở gốc cây gạo. Các chị đi chơi hay đi tập văn nghệ cũng hẹn chờ nhau ở đây. Những người đi làm ăn xa cũng lấy cây gạo làm cọc tiêu để định hướng đường về.

Mỗi buổi trước khi đi làm đồng, các ông các bà cũng thường tập trung dưới gốc gạo và như đã thành thói quen từ đây những thông tin trong ngày được trao và nhận như một cuộc giao lưu nho nhỏ vậy. Câu chào, câu hỏi tình làng nghĩa xóm cũng từ đây mà gắn kết với nhau hơn. Không biết bao nhiêu khúc mắc được tháo gỡ bắt đầu từ những lần tập trung như vậy.

Vào độ tháng mười âm lịch lá cây gạo chuyển từ màu xanh đậm sang màu vàng rồi bắt đầu rụng. Những cơn gió heo may thổi về làm những đám lá quay tròn trên không trung rồi rơi lả tả xuống một lớp dày xung quanh gốc. Trên cành trơ ra những nhánh cây xương xẩu, nhìn qua nhiều tưởng như cây đã bị chết. Nhưng không, từ những nhánh cây xương ấy, những búp hoa chui ra từ lớp vỏ đen cứ lớn dần từng ngày… Không lâu sau, trông cây gạo như một bó đuốc khổng lồ đang đốt cháy rực cả một góc trời.

Mặc cho mùa giáp hạt, bao nỗi lo toan hằn lên trên nét mặt các bà, các mẹ, hoa gạo vẫn cứ vô tư đỏ rực. Từ màu đỏ rực, chúng chuyển sang màu đỏ sậm rồi rụng xuống để lại trên cành những quả non lẫn vào đám lá màu xanh nhạt vừa nhú ra.

Ngày còn bé, đến mùa hoa rụng, tôi cùng bạn bè có thú chơi đi nhặt hoa gạo xâu chuỗi đeo vào cổ bắt chước chuỗi hạt của Sa Tăng trong bộ phim "Tây du ký". Đám con gái thì nhặt kết thành vương miện chơi trò hoa hậu. Rồi một ngày dưới cái nắng mùa hè gay gắt, trên bầu trời xuất hiện những sợi bông trắng muốt. Hóa ra quả gạo đã chín. Có quả đã rụng xuống, có quả chưa kịp rụng đã nứt vỏ bung ra cả một trời bông trắng xóa.

Bông gạo chín cũng là lúc cây gạo đã đầy đủ lá và tỏa bóng râm mát. Bỏ ngoài tai câu nói "Quỷ gốc đa, ma gốc gạo", bọn trẻ chúng tôi những buổi trưa hay những đêm trăng sáng đều tập trung chơi đùa dưới gốc cây. Chơi chán cả bọn rủ nhau nằm nghe tiếng chim hót và tiếng lá rì rào như đang kể chuyện về một miền hoang sơ xa thẳm.

Chúng tôi lớn lên rồi đi xa, có đứa không trở về làng. Có thể ở nơi khác cũng có cây gạo như ở làng tôi, mùa xuân ra hoa kết trái rồi trái chín cũng bung ra một trời bông trắng muốt, nhưng chắc trong lòng không thể quên được cây gạo của làng mình. Trong thâm tâm mọi người, cây gạo và ngã ba làng đã thành hồn cốt của làng, đã trở thành những kỷ niệm ăn sâu vào tâm khảm của họ.

Trải qua những năm tháng mưu sinh, hôm nay về đứng dưới gốc gạo, tôi cảm thấy mình như được trở về thời thơ ấu và trở nên nhỏ bé vô cùng. Cây gạo vẫn sừng sững trên cành đơm đầy những bông hoa đỏ rực. Chỉ có làng quê là thay đổi.

Tôi cúi xuống nhặt bông hoa gạo đã rụng từ đêm qua, bồi hồi nhớ lại những ngày xa xưa từng gắn bó thân thuộc ở nơi này. Bất chợt sống mũi cay cay…

Cảm ơn đời, cảm ơn quê hương đã cho ta một chốn đi về trên nẻo đường đời muôn vàn lối rẽ. Cảm ơn những gốc cây, những ngọn cỏ tưởng chừng như vô tri nhưng có muôn vàn lời thân thương mang nặng nghĩa tình.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn