Các kỹ sư Đại học California San Diego (UC San Diego) đã sử dụng sợi nano cấy ghép đảm nhận chức năng như cơ quan cảm quang, tăng độ phân giải để giúp mắt nhìn tốt hơn.
Trong nghiên cứu, sợi nano được cấy vào võng mạc bệnh nhân, đảm nhận chức năng kích thích các nơron truyền gửi tín hiệu lên não. Thiết bị mới không cần đến bất kỳ cảm biến nhưng lại có thể tăng cường độ phân giải cho mắt.
Theo Gabriel A.Silva, Chủ nhiệm dự án, các sợi nano này có chức năng sao chép cơ chế hoạt động của tế bào cảm quang tự nhiên trong võng mạc.
Khi chúng cảm nhận được ánh sáng tới thì sẽ phản hồi bằng cách tạo ra dòng điện kích thích tới tế bào võng mạc, các tín hiệu này sẽ được truyền lên não.
Do các sợi dây nano được bố trí theo kiểu lưới nên có mật độ gần giống tế bào võng mạc tự nhiên, vì thế hình ảnh thu được có độ phân giải cao hơn so với các loại mắt giả sinh học khác mà không cần đến camera hỗ trợ.
Năng lượng cấp cho hệ thống là dạng không dây cảm ứng từ bên ngoài cơ thể. Nguồn năng lượng này chủ yếu dùng để làm tăng độ nhạy và thời gian kích thích võng mạc nên tiết kiệm năng lượng tối đa.