Cây ớt giúp phụ nữ dân tộc thiểu số làm chủ kinh tế

23:53 | 29/08/2023;
Xuất phát từ mong muốn có việc làm và thu nhập ổn định của hội viên, Hội LHPN thị trấn Mường Khương (huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai) đã khảo sát thực tế và quyết định liên kết các hộ dân trồng ớt bản địa thông qua thành lập Tổ hợp tác liên kết sản xuất ớt Na Đẩy.

Bà Hà Ngọc Anh, Chủ tịch Hội LHPN thị trấn Mường Khương, cho biết: "Sản phẩm tương ớt vàng Mường Khương rất nổi tiếng, được thị trường trong và ngoài tỉnh ưa chuộng. Thời gian qua, vì nhiều nguyên nhân khác nhau, diện tích trồng ớt bản địa bị thu hẹp, nghề làm tương ớt Mường Khương bị mai một. Chính vì vậy, việc trồng và chế biến tương ớt phù hợp với trình độ canh tác của người dân, có thị trường tiêu thụ ổn định, chắc chắn sẽ mang lại hiệu quả".

Việc đầu tiên chính là xây dựng liên kết giữa các hộ hội viên để xây dựng vùng nguyên liệu tập trung; tìm nguồn giống ớt bản địa chất lượng và phân bón cung cấp cho các hộ. Tiếp đó, Hội LHPN thị trấn Mường Khương phối hợp với các cơ quan chuyên môn hỗ trợ, hướng dẫn về kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hái. Trong quá trình triển khai, Hội LHPN thị trấn Mường Khương luôn đồng hành với hội viên, phụ nữ, kịp thời xử lý những vấn đề phát sinh, đồng thời hỗ trợ, chia sẻ với những hội viên khó khăn, từ đó tạo động lực và tiếp thêm niềm tin cho hội viên vào cây trồng này.

Cây ớt giúp phụ nữ dân tộc thiểu số làm chủ kinh tế - Ảnh 1.

Sản phẩm tương ớt vàng Mường Khương rất nổi tiếng, được thị trường trong và ngoài tỉnh ưa chuộng

Không có công việc ổn định, 2 người con gái của bà Lý Thị Quyên (thôn Sả Hồ) những năm qua đều "hạ sơn" để làm thuê, làm mướn. Nhưng một năm trở lại đây, được Hội LHPN địa phương hỗ trợ, hướng dẫn về kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hái ớt, bà Quyên đã gọi 2 người con gái của mình đang mưu sinh ở các thành phố lớn quay trở về quê nhà, cùng mẹ nhân rộng diện tích cây trồng bản địa trên chính quê hương mình.

"Từ hồi trồng ớt, thu nhập của gia đình đã ổn định hơn, mà lại không vất vả như trồng ngô hay các loại cây khác", bà Quyên cho hay.

Cây ớt giúp phụ nữ dân tộc thiểu số làm chủ kinh tế - Ảnh 2.

Tổng lượng ớt quả mà Tổ hợp tác liên kết sản xuất ớt Na Đẩy thu mua vào chính vụ lên tới 10 - 12 tấn/tháng

Sau 1 năm triển khai, đã có 160 hộ do phụ nữ làm chủ tham gia trồng ớt bản địa, với diện tích lên tới 9 ha tại các thôn: Sa Pả, Lao Chải, Na Đẩy, Sả Hồ. Hiện đang vào vụ thu hoạch quả ớt, trung bình mỗi tuần thu hoạch 2 lần. Những hộ trồng với diện tích lớn cho thu hoạch khoảng 300 kg quả/tuần, thu nhập từ 6 -7 triệu đồng/tuần; hộ trồng với diện tích nhỏ cũng cho thu nhập 3 triệu đồng/tuần. 

Không chỉ thu mua ớt do hội viên, phụ nữ trên địa bàn thị trấn trồng mà Tổ hợp tác liên kết sản xuất ớt Na Đẩy còn mở rộng thu mua tại các xã Thanh Bình, Nậm Chảy, Nấm Lư. Tổng lượng ớt quả mà Tổ hợp tác liên kết sản xuất ớt Na Đẩy thu mua vào chính vụ lên tới 10 - 12 tấn/tháng. Điều đáng nói, chất lượng sản phẩm tương ớt bản địa Mường Khương được đánh giá cao và được thị trường đón nhận.

Cây ớt giúp phụ nữ dân tộc thiểu số làm chủ kinh tế - Ảnh 3.

Nghề làm tương ớt tại Mường Khương lại đang tiếp nối

"Thời gian tới, Hội LHPN thị trấn Mường Khương sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động hội viên trên địa bàn tham gia liên kết, mở rộng diện tích trồng ớt bản địa, tạo nguồn nguyên liệu ổn định cho sản xuất, góp phần giữ vững thương hiệu tương ớt Mường Khương. Cùng với đó, đề xuất với các ngành chức năng của huyện quan tâm, hỗ trợ để mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm tương ớt của Tổ hợp tác liên kết sản xuất ớt Na Đẩy do phụ nữ làm chủ", Chủ tịch Hội LHPN thị trấn Mường Khương cho biết.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn