'Cha đẻ' của phương pháp thụ tinh nhân tạo

17:26 | 25/07/2016;
38 năm trước, Louise Joy Brown, "đứa trẻ ống nghiệm" đầu tiên trong lịch sử đã ra đời tại thị trấn Ould, Vương quốc Anh đánh dấu sự thành công của phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm.
Ngày 25/7/1978, một cô bé mắt xanh, tóc vàng, mạnh khỏe, nặng 2,608kg đã ra đời tại Bệnh viện Royal Oldham (Anh) và được đặt tên Louise Joy Brown.

Em bé đầu tiên ra đời bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) này là một thành tựu đột phá của y học, đã được các phương tiện truyền thông lúc đó đồng loạt đưa tin khắp thế giới.
cc-bc-s-b-louise-joy-brown-em-b-u-tin-trn-th-gii-cho-i-bng-phng-php-th-tinh-trong-ng-nghim-ti-bnh-vin-a-khoa-oldham-anh.jpg
 Các bác sĩ bế Louise Joy Brown
Mẹ Louise là bà Lesley Brown, bị chứng tắc ống dẫn trứng, đã 9 năm tìm đủ cách nhưng vẫn không có con. Năm 1976, bà tìm đến 2 bác sĩ người Anh là Patrick Christopher Steptoe và Robert Geoffrey Edwards, những nhà tiên phong thực hiện phương pháp IVF.

Robert Geoffrey Edwards (27/9/1925 - 10/4/2013) là một bác sĩ, nhà bác học, giảng viên công tác tại Đại học Cambridge, Anh. Ông từng tham gia phục vụ quân đội và chiến đấu chống phát xít trong chiến tranh thế giới thứ hai. Sau khi giải ngũ, Edwards theo học tại Đại học Edinburg. Tốt nghiệp xong, ông làm công tác nghiên cứu khoa học tại Trường Đại học Bangor, phía Bắc xứ Walles. Năm 1955, Edwards bảo vệ thành công luận án tiến sĩ về đề tài sự phát triển của phôi chuột.

Ba năm sau, tại Viện nghiên cứu y học quốc gia London, ông bắt đầu tìm hiểu quá trình thụ thai của con người. Khi đào sâu về những thành tựu của nhà khoa học Patrick Christopher Steptoe liên quan đến kỹ thuật soi ổ bụng, Edwards đã đề nghị được cùng hợp tác nghiên cứu về thụ tinh con người từ ống nghiệm. Từ đó hai nhà khoa học làm việc bên nhau đến khi về hưu.
louise-brown-v-m-lesley.jpg
Cô bé Louise Brown và mẹ Lesley.
Đến tháng 11/1977, trứng của bà Lesley Brown được 2 bác sĩ trích ra, cho kết hợp với tinh trùng chồng bà là John Brown trong ống nghiệm, sau đó cấy phôi vào tử cung bà. Kết quả, cô bé Louise là trường hợp thành công đầu tiên của 2 ông sau hơn một thập niên (từ năm 1966) nghiên cứu việc thụ tinh cho trứng ở bên ngoài cơ thể.

Phương pháp thụ tinh ống nghiệm ra đời năm 1978 đã mang hy vọng đến cho hàng triệu cặp vợ chồng hiếm muộn khắp thế giới. Trước đó, các phụ nữ bị tắc ống dẫn trứng đều bị xem đã mất hy vọng có con. Những trường hợp tiếp theo đã chứng minh sự thành công của Steptoe và Edwards.

Nửa năm sau khi cô bé Louise chào đời, tháng 1/1979, đến lượt Alastair MacDonald, bé trai đầu tiên ở Anh được sinh ra nhờ phương pháp IVF.

Tháng 6/1980, em bé thứ ba ra đời nhờ phương pháp IVF là Candice Reed ở Melbourne (Australia). Ở Mỹ, tháng 12/1981, Elizabeth Jordan Carr chào đời, đây là thành công đầu tiên ở Mỹ và là em bé thứ 15 trên thế giới ra đời nhờ phương pháp IVF, thực hiện bởi tiến sĩ Howard Jones và Georgeanna Seegar Jones, ở Norfolk, Virginia.
louise-brown-va-n-cho-qu-t-th-2-hi-thng-8.jpg
Louise Brown - em bé đầu tiên trên thế giới được sinh ra bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm ngày nào giờ đã là mẹ của 2 cậu con trai. Cô mang thai tự nhiên và hiện là nhân viên của một công ty vận tải ở Bristol, Anh. Trong ảnh là Louise Brown và con trai thứ 2 của cô.
Phát minh ra công nghệ thụ tinh trong ống nghiệm của Edwards đã được đánh giá là "đóng góp cho sự phồn thịnh của nhân loại". Năm 2010, ông được trao giải Nobel về Sinh học và Y học với công nghệ thụ tinh trong ống nghiệm được xem là mang tính cách mạng trong lĩnh vực y học sinh sản.
gio-s-edwards-ot-gii-nobel-y-hc-2010.jpg
 Giáo sư Edwards và giải Nobel về Sinh học và Y học.
Năm 2011, Edwards được Nữ hoàng Anh phong tước Hiệp sĩ. Số người ra đời bằng phương pháp của hai ông đã lên tới 5 triệu thời điểm ấy. Hàng năm, trên thế giới, phương pháp thụ tinh nhân tạo đã mang đến sự sống cho khoảng 350.000 em bé. Robert Edwards đã qua đời vào ngày 10/4/2013 ở tuổi 87.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn