Năm nay, kỷ niệm 50 năm ra đời giải thưởng danh giá Man Booker, giải thưởng văn chương danh giá nhất trong cộng đồng các nước nói tiếng Anh, thành lập năm 1968, The English Patient của Michael Ondaatje khẳng định được tột đỉnh vinh quang khi trở thành tiểu thuyết hay nhất trong số những tác phẩm đoạt giải Man Booker nửa thế kỷ qua do công chúng bình chọn với 9.000 phiếu bầu chọn.
Bỏ nghề dạy học để viết kiệt tác văn chương
Trong lời phát biểu nhận giải, Michael Ondaatje nói rằng, ông đã đi dạy nhiều năm cho tới khi bắt tay vào viết cuốn sách của đời mình, vào năm 1985. The English Patient không phải là một cuốn sách đơn giản và nhà văn người Canada đã buộc phải lựa chọn: Hoặc bỏ dạy để toàn tâm hoàn thành cuốn sách hoặc chỉ viết lách nghiệp dư để tiếp tục giảng dạy. Cuối cùng, ông chọn cuốn sách. Thế nhưng kể từ khi The English Patient được xuất bản lần đầu năm 1992, “ông già tóc bạc” chưa từng đọc lại tác phẩm để đời của mình.
Sinh ra trong một gia đình gốc Sri Lanka, cuộc đời Michael Ondaatje phiêu bạt khắp nơi, dừng chân ở Anh, tới Canada, rời khỏi đây và một lần nữa trở lại. Không như nhiều tên tuổi của làng văn chương thế giới, thời thơ ấu, Michael Ondaatje không bộc lộ năng khiếu văn chương nổi trội. Cậu bé sinh ra ở đảo quốc Nam Á thích bơi lội hơn là đọc sách. Khi trưởng thành, công việc giảng dạy rồi biên tập văn học và sáng tác thơ dường như vẫn chưa thỏa mãn, Michael Ondaatje bắt tay viết tiểu thuyết vào những năm 1970. Và ông đã chứng minh được lựa chọn của mình đúng đắn.
Những cuốn tiểu thuyết tiêu biểu của ông là Coming Through Slaughter (1976), The English Patient (1992), Anil’s Ghost (2000), Divisadero (2007) và The Cat’s Table (2011) nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Trong đó “The English Patient” đã giúp Michael Ondaatje trở thành một trong những nhà văn hàng đầu thế giới.
Tiểu thuyết gia Kamila Shamsie, một trong những giám khảo xét tặng giải Golden Man Booker, cũng là người đã bỏ phiếu cho “The English Patient” đã không tiếc lời khen tặng cho giá trị cuốn tiểu thuyết của Michael Ondaatje và cho rằng đó là cuốn sách mà độc giả muốn đọc đi đọc lại trong đời.
Cùng với người đồng hương, nhà văn Margaret Atwood, ông là nhà văn đương đại nổi tiếng nhất của Canada, đóng góp không nhỏ vào thành tích xuất khẩu văn hóa lừng lẫy ra thế giới của đất nước này.
Không “phụ bạc” thơ ca
Thành công với tiểu thuyết nhưng không vì thế mà Michael Ondaatje “phụ bạc” niềm đam mê thơ ca. Trước khi trở thành tên tuổi lớn của làng văn xuôi thế giới, ông sáng tác và xuất bản thơ với lần lượt các tập thơ và tuyển thơ The Dainty Monsters (1967), The Man with Seven Toes (1969), Rat Jelly (1980).
Tới năm 2005, tưởng chừng như đã thừa thãi vinh quang và dừng tay gác bút, Michael Ondaatje lại ra mắt tuyển tập thơ The Story nhằm mục đích gây quỹ cho Dự án Văn học Thế giới tại Canada. Tập thơ ghi lại những ký ức, những giấc mơ đẹp của thời thơ ấu, ghi đậm ám ảnh về ngôn ngữ và nhịp điệu, vốn rất đặc trưng trong cả những sáng tác văn xuôi của Michael Ondaatje.
Giai đoạn này, Ondaatje cũng đồng thời viết phê bình, biên soạn các tài liệu xung quanh bộ phim The English Patient chuyển thể từ tác phẩm của ông và do chính ông viết kịch bản cùng với đạo diễn Anthony Minghella. Dường như với Michael Ondaatje không có giới hạn nào trong sáng tạo.
Bận rộn là vậy nhưng Michael Ondaatje vẫn dành nhiều thời gian để đọc sách. Nhà văn kỳ cựu thừa nhận ông đọc đi đọc lại một số tác phẩm yêu thích và không thích các tác phẩm kinh dị mang màu sắc bí ẩn, thị trường.
“The English Patient” đã được dịch ra 38 ngôn ngữ. Hơn 1 lần, tác phẩm được vinh danh tại Giải văn chương Man Booker. Năm 1992, “The English Patient” chiến thắng Man Booker. Năm 1996, tác phẩm được chuyển thể thành bộ phim cùng tên, do Anthony Minghella đạo diễn. Bộ phim giành được 6 giải Oscar, 2 giải Quả Cầu Vàng và 6 giải BAFTA năm 1997, thu về 231 triệu đô la Mỹ trên toàn thế giới tính đến nay. |