Trong Đơn cầu cứu gửi về Báo Phụ nữ Việt Nam, bà H.T.M.U, sinh năm 1985, ngụ tại quận 6, TPHCM, cho biết: Từ năm 2018 bà và ông Trương Cường, ngụ tại quận 11, TPHCM, chung sống với nhau không đăng ký kết hôn.
Ngày 3/1/2021, bà U. sinh một bé gái tại Bệnh viện Hùng Vương, đặt tên là Trương Anh Văn. Sau khi sinh con, vì tình hình dịch bệnh Covid-19 nên bà U. và ông Cường chưa đi làm giấy khai sinh cho con. Vào ngày 15/8/2021, ông Cường bị nhiễm Covid-19 và mất.
Vào cuối năm 2022, bà U. đã có Đơn yêu cầu giải quyết việc dân sự xác định cha cho con. Theo đó, bà U. đề nghị cấp tòa quận 11, TPHCM xác định ông Trương Cường là cha của trẻ Trương Anh Văn. Cấp tòa sơ thẩm sau đó đã "xác định ông Trương Cường là cha của trẻ Trương Anh Văn. Bà U. được quyền liên hệ với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để hoàn chỉnh các giấy tờ về nhân thân, hộ tịch liên quan tới quyết định này".
Tuy nhiên sau đó, 3 người em gái của ông Trương Cường là Trương Tuyết H., Trương Tuyết L., Trương Tuyết C. đã kháng cáo.
Ngày 15/5/2023, TAND TPHCM đã mở phiên họp phúc thẩm công khai. Theo tòa phúc thẩm, hồ sơ vụ việc thể hiện ông Trương Cường có 3 người em gái tên Trương Tuyết H., Trương Tuyết L., Trương Tuyết C. Ông Trương Cường quen biết và sống không đăng ký kết hôn với bà U. từ năm 2018. Hai người chung sống có 1 con chung là trẻ gái tên Trương Anh Văn, sinh ngày 3/1/2021, chưa đăng ký khai sinh.
Bà U. cung cấp 1 bản kết quả xét nghiệm AND ngày 22/1/2022 cho thầy ông Trương Cường có quan hệ huyết thống cha con với người có mẫu tên Trương Anh Văn. Xét thấy tài liệu này do bà U. tự thực hiện trước khi tòa án thụ lý nên chỉ được xem là tài liệu tham khảo.
Ngoài ra, bà U. còn cung cấp hình ảnh sinh hoạt đời thường, tiệc ăn hỏi, tiệc đầy tháng, lễ rửa tội có sự hiện diện của ông Trương Cường và 3 người em gái. Hội đồng phúc thẩm xét các hình ảnh nêu trên, nhận thấy mối quan hệ gia đình giữa các đương sự là có thật.
Căn cứ theo Thông tư số 04/2020/TT-BTP ngày 28/5/2020 của Bộ Tư pháp quy định về chứng cứ chứng minh quan hệ cha, mẹ, con, HĐXX cấp phúc thẩm cho rằng các hình ảnh sinh hoạt đời thường của ông Trương Cường, trẻ Trương Anh Văn cùng 3 em gái ông Cường trong tiệc đầy tháng, lễ rửa tội… đã chứng minh mối quan hệ cha con giữa ông Trương Cường và trẻ Trương Anh Văn. Điều này cũng phù hợp với 2 người làm chứng, xác nhận ông Trương Cường chung sống với bà U. có con chung là trẻ Trương Anh Văn.
Từ các nhận định trên, HĐXX cấp phúc thẩm nhận thấy quyết định cấp sơ thẩm chấp nhận yêu cầu của bà U., xác định ông Trương Cường là cha của trẻ Trương Anh Văn là có căn cứ. Do vậy, cấp phúc thẩm đã giữ nguyên quyết định cấp sơ thẩm, không chấp nhận kháng cáo của 3 người em gái ông Trương Cường là Trương Tuyết H., Trương Tuyết L., Trương Tuyết C.
Vào cuối tháng 5/2023, bà U. đã cầm quyết định của tòa án tới UBND phường 3, quận 11, TPHCM để làm Giấy khai sinh cho bé Trương Anh Văn. Tuy nhiên, cơ quan này đã từ chối vì cho rằng ông Trương Cường đã mất nên đã xóa tên trong hộ khẩu. Do đó, coi như nơi cư trú của ông Trương Cường cũng đã bị xóa.
Ngày 16/6/2023, bà U. nhận được công văn của UBND phường 3, quận 11, TPHCM, với nội dung không đồng ý cấp giấy khai sinh cho bé Trương Anh Văn tại nơi cư trú của cha vì "không có cơ sở". UBND phường 3, quận 11 đã căn cứ vào Điều 13, Mục 1, Chương II của Luật hộ tịch quy định về thẩm quyền đăng ký khai sinh; Căn cứ điểm a, khoản 1, khoản 2, Điều 24, Luật cư trú 2020 quy định về Xóa đăng ký thường trú. Theo đó, vì trong hồ sơ xin cấp giấy khai sinh cho bé Trương Anh Văn có Trích lục khai tử của ông Trương Cường, nên UBND phường 3, quận 11 đã không có cơ sở cấp giấy khai sinh cho bé.
Bà U. sau đó đã gửi Đơn yêu cầu giải quyết và Đơn khiếu nại tới UBND phường 3, quận 11. Bà U. cho biết, không đồng ý với quan điểm của UBND phường 3, quận 11.
Luật sư Nguyễn Trọng Hào, Giám đốc Công ty Luật TNHH Nhân Bản, được sự ủy quyền của bà U. đưa ý kiến: "UBND phường 3, quận 11 cho rằng khi xóa đăng ký thường trú người cha do đã chết thì không thể cấp giấy khai sinh cho bé Trương Anh Văn theo nơi cư trú của người cha là không phù hợp với quy định pháp luật. Vì trong Luật cư trú cũng quy định về khái niệm nơi cư trú và nơi thường trú như sau: Cư trú là việc công dân sinh sống tại một địa điểm thuộc đơn vị hành chính cấp xã hoặc đơn vị hành chính cấp huyện ở nơi không có đơn vị hành chính cấp xã (sau đây gọi chung là đơn vị hành chính cấp xã); Nơi thường trú là nơi công dân sinh sống ổn định, lâu dài và đã được đăng ký thường trú.
"Như vậy, việc ông Trương Cường chết thì bị xóa đăng ký thường trú. Tuy nhiên, nơi ông cư trú khi còn sống là phường 3, quận 11, TPHCM thì không thể xóa được. Phải hiểu rằng, cư trú có thể là nơi đăng ký thường trú hoặc nơi đăng ký tạm trú. Do đó, UBND phường 3, quận 11 đồng nhất khái niệm cư trú và thường trú, cho rằng khi bị xóa đăng ký thường trú thì đương nhiên xóa nơi cư trú là cách hiểu chưa phù hợp với các quy định pháp luật trên đây", luật sư Nguyễn Trọng Hào cho biết.
Trao đổi với phóng viên Báo Phụ nữ Việt Nam, bà U. cho biết, hiện bé Trương Anh Văn đang bị bệnh cần được điều trị, chuẩn bị nhập học và rất nhiều quan hệ xã hội khác cần giấy khai sinh. Bà U. đã gửi Đơn khiếu nại ngày 28/6/2023 về việc UBND phường 3, quận 11 không cấp giấy khai sinh cho bé Trương Anh Văn tại nơi cư trú của người cha, tuy nhiên hiện chưa nhận được phản hồi từ cơ quan này.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn