“Đồ ăn nguội lắm mẹ ạ!”
Lựa chọn một trường tư thục trên địa bàn quận Cầu Giấy (Hà Nội) cho con theo học từ lớp một, chị Lại Thị Hiền (34 tuổi) về cơ bản đều cảm thấy hài lòng các tiêu chí chọn lựa, chỉ trừ một nỗi lăn tăn là nhà trường không có bếp ăn. Theo đó, toàn bộ đồ ăn của học sinh (bao gồm bữa sáng, bữa trưa và bữa phụ) sẽ do một đơn vị cung ứng suất ăn tập thể nấu và mang đến phục vụ tại trường.
Sau hơn một học kỳ cho con học tại đây, chị Hà cho biết cảm nhận của con về bữa ăn này đa phần là đồ ăn nguội. “Tôi vẫn thường hỏi con ở trường hôm nay đồ ăn thế nào, thì đó là câu trả lời tôi hay nhận được từ con. Kể cả khi trời lạnh, hay trời nóng thì bữa trưa của con vẫn thường diễn ra tình trạng cơm canh đều nguội” – chị Hiền cho hay. Không chỉ con chị phản ánh điều này mà rất nhiều học sinh khác ở lớp cũng nói như vậy khi đưa ra vấn đề này lên diễn đàn hội phụ huynh lớp.
Nữ phụ huynh đã từng đến nhà ăn của con và xem bữa ăn sáng thì thấy tạm yên tâm vì khá nóng sốt, chỉ có bữa trưa vẫn lăn tăn ở chất lượng. “Đơn vị này thấy làm chuyên nghiệp, sạch sẽ, bảo hộ lao động tốt, nhưng quả thật nhìn thức ăn của con khi đã là thành phẩm rồi, cũng không khỏi băn khoăn về nguồn gốc xuất xứ thực phẩm và quá trình chế biến. Với kiểu ăn này thì phụ huynh muốn tham gia giám sát cũng không biết giám sát kiểu gì?” – chị nói.
Cũng theo chị Hiền, ngoài việc thức ăn nguội, thực đơn của trường còn có nhiều món chiên rán (như gà rán, khoai tây chiên..). Ban phụ huynh đã nhiều lần đề nghị giảm hoặc cắt hẳn các món chiên để đảm bảo sức khỏe cho các con. Và chỉ khi có đề nghị từ phụ huynh thì tình trạng này mới giảm. Rõ ràng, việc đặt suất ăn công nghiệp của nhà trường lộ diện nhiều bất cập, thụ động, phụ huynh cảm thấy không yên tâm, cũng là có cơ sở.
Vụ việc hàng trăm học sinh nghi nhiễm sán lợn ở Bắc Ninh diễn ra, càng khiến nhiều bậc cha mẹ như chị Hiền, cảm thấy bất an. Với những trường không có bếp ăn mà đặt suất ăn thì sự lo lắng này càng tăng thêm. Anh Hữu Cường, cũng có con gái học trường tư thục tại Hà Nội, cho biết phụ huynh của trường vì thế đã sớm kiến nghị chấm dứt tình trạng ăn suất ăn công nghiệp.
“Ban phụ huynh của trường đã nhiều lần đề nghị nhà trường xây bếp và tự nấu đồ ăn cho các con. Phía nhà trường đã cam kết trong năm học tới sẽ có bếp ăn thay vì cho con ăn đồ nấu sẵn. Sau vụ việc ở Bắc Ninh, chúng tôi càng phản ánh mạnh hơn để nhà trường phải thực hiện đúng cam kết. Trong thời gian này, hội phụ huynh cũng yêu cầu nhà trường tạm dừng hoặc giảm thiểu tối đa thực đơn các món ăn về thịt lợn, nhà trường đã đồng ý” – anh Cường cho biết. Phụ huynh này cũng gay gắt cho hay, nếu sang năm học mới nhà trường không thực hiện cam kết có bếp ăn, anh sẽ tính đến việc chuyển trường cho con.
Ai giám sát suất ăn tập thể?
Việc đặt suất ăn tập thể ở một số trường học ở Hà Nội, được lựa chọn từ các đơn vị uy tín, có hồ sơ năng lực tốt. Nghĩa là, suất ăn hàng ngày của học sinh có chất lượng như thế nào, đảm bảo vệ sinh hay không, hoàn toàn dựa trên hồ sơ về mặt giấy tờ, pháp lý và quá trình làm ăn qua thời gian của công ty được đo bằng chữ tín. Còn việc nhà trường có thực hiện giám sát hay không, thì không ai rõ.
Trên các website, hầu hết các công ty chế biến suất ăn công nghiệp đều tự quảng bá về mình với những "lời có cánh" như: luôn đặt vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm lên hàng đầu. Thực phẩm được nhập từ những nhà cung cấp tiêu chuẩn, có nguồn gốc rõ ràng, được công ty kiểm tra và kiểm định thường xuyên. Đội nhân sự thường xuyên đi kiểm tra đột xuất quá trình nuôi trồng của nhà cung cấp, các bếp ăn, được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm theo đúng quy định.
Theo quy trình này, việc kiểm tra chất lượng an toàn thực phẩm thực hiện theo quy trình “khép kín”, nghĩa là tự công ty kiểm định lấy chất lượng của mình mà không có thêm đơn vị thứ ba hoặc tổ chức nào để cùng giám sát, kiểm định. Và các nhà trường tìm đến họ cũng có nghĩa hoàn toàn tin vào uy tín của họ mà thôi. Và nếu chỉ căn cứ vào hồ sơ pháp lý để đánh giá chất lượng đơn vị cung ứng thực phẩm sẽ không chính xác. Bởi vẫn diễn ra tình trạng các doanh nghiệp nhỏ, lẻ liên kết với doanh nghiệp lớn về sản xuất thực phẩm sạch để “làm đẹp” hồ sơ.
Trong khi đó, có một thực tế là nhiều công ty đầu tư quy trình sản xuất thực phẩm khép kín, hệ thống máy móc hiện đại, nhà kho bảo quản đạt tiêu chuẩn để sản phẩm làm ra được cấp chứng nhận an toàn thực phẩm. Thế nhưng, khi các đơn vị này “chào hàng” thì nhiều nơi không mấy mặn mà. Bởi đơn giản “đắt phải xắt ra miếng” - giá thành cao hơn thực phẩm trôi nổi ngoài thị trường.
Theo Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản Hà Nội, các mẫu thực phẩm vi phạm an toàn, vệ sinh thực phẩm, nhất là tồn dư các chất hóa học, cơ quan chức năng đều tiến hành truy xuất tận cùng nguồn gốc. Tuy nhiên, việc này không đơn giản, vì đường đi của thực phẩm phải qua nhiều công đoạn, nhiều khâu trung gian. Hơn nữa, trong lĩnh vực nông nghiệp, quy mô sản xuất nhỏ, lẻ còn nhiều. Chính vì vậy, dù có ký cam kết sản xuất, kinh doanh thực phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh nhưng giám sát và kiểm tra thực hiện mới là vấn đề lớn, đáng lưu tâm. Ai giám sát, giám sát như thế nào, quy định nào được cho phép các bên tham gia giám sát, vẫn là các câu hỏi bỏ ngỏ.
Rõ ràng, để các công ty cung ứng suất ăn công nghiệp hoạt động hiệu quả, thực chất, tạo niềm tin cho người tiêu dùng, các cơ quan chức năng cần có những hỗ trợ cụ thể để giúp các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm theo chuỗi, được cấp chứng nhận an toàn thực phẩm có thể tiêu thụ sản phẩm rộng rãi trên thị trường. Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý nhà nước cần có chế tài, tham gia vào khâu giám sát kiểm tra một cách thực chất, truy xuất đến cùng nguồn gốc thực phẩm để tránh tình trạng các nhà cung cấp thực phẩm “treo đầu dê, bán thịt chó”.
Theo quy định thuộc Điều 3, chương II của Thông tư 30/2012/TT-BYT về các điều kiện xin giấy phép vệ sinh an toàn thực phẩm cho suất ăn công nghiệp đối với cơ sở chế biến suất ăn sẵn, một số điều kiện mà các doanh nghiệp phải có gồm: Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (có ngành nghề sản xuất suất ăn công nghiệp và được hoạt động tại trụ sở); Bản mô tả về cơ sở vật chất trong khu vực sản xuất; Giấy xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm đối với chủ cơ sở và các nhân viên; Danh sách kết quả khám sức khoẻ của chủ cơ sở và người trực tiếp chế biến, kinh doanh… Nguyên liệu thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến, chất bảo quản sử dụng trong sản xuất thực phẩm phải có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, được phép sử dụng theo quy định; Các nguyên liệu đầu vào phải được công bố chất lượng sản phẩm… |