Cha mẹ bất cẩn, nhiều trẻ nguy kịch do bỏng nước sôi

11:47 | 02/02/2018;
Theo các bác sĩ, trong mùa đông, số bệnh nhi bị bỏng nước sôi nhập viện nhiều hơn, phần do trẻ hiếu động, phần do sự bất cẩn của người lớn.
Ngày 2/2, bác sĩ Lê Mậu Thành, khoa Chấn thương Chỉnh hình (BV Đa khoa Tuyên Quang) cho biết, BV đang điều trị cho bệnh nhi Đỗ Anh T. (3 tuổi, huyện Yên Bình, Yên Bái), bị bỏng toàn thân do ngã vào vào chậu nước sôi gây bỏng nặng.

Gia đình bệnh nhi cho biết, do trời lạnh nên có đun nước sôi để pha tắm cho bé. Khi vừa cho nước sôi vào chậu để pha, bé nghịch rồi ngã vào chậu nước sôi nên bị bỏng nặng. Ngay sau đó, gia đình sơ cứu rồi chuyển bé lên BV Đa khoa Tuyên Quang cấp cứu.
tre-bi-bong.jpg
Bệnh nhi bị bỏng đang được điều trị tại BV Đa khoa Tuyên Quang.

 

Tại khoa Chấn thương chỉnh hình, có nhiều bệnh nhân bị bỏng nặng do ngã vào nước sôi, trong đó có bệnh nhi Lý Thùy T. (1 tuổi, huyện Sơn Dương, Tuyên Quang). Trước đó, bé T. đã với lấy cốc nước nóng ở trên bàn và bị nước đổ vào người, gây bỏng vùng ngực, toàn cánh tay phải và đùi phải. 

Theo bác sĩ Thành, bỏng nước sôi thường gặp trong mùa đông. Thống kê của BV cho thấy, chỉ trong vài ngày gần đây, BV đã tiếp nhận 7 bệnh nhân bị bỏng nước sôi, chủ yếu là trẻ nhỏ dưới 5 tuổi. Đây là độ tuổi trẻ rất hiếu động, hay chạy nhảy, khám phá nếu gia đình sơ ý, bé dễ bị tai nạn thương tích, trong đó có bỏng nước sôi.
 
Để đề phòng, cha mẹ cần luôn chú ý giám sát trẻ, để phích nước sôi, cốc nước nóng, thức ăn mới nấu, bàn là đang nóng, bật lửa... ở nơi trẻ không sờ hoặc với tới được. Không để trẻ nhỏ tự tự tắm vòi nước nóng lạnh, luôn kiểm tra nhiệt độ nước trước khi tắm cho trẻ. Khi bê nước nóng, thức ăn mới nấu, cần tránh xa trẻ để không va đụng; không nên ăn thức ăn, uống nước nóng khi bế trẻ nhỏ, tránh trường hợp trẻ nghịch bị đổ gây bỏng.
 
Khi trẻ bị bỏng nước sôi, gia đình cần:

- Nhanh chóng đưa vết bỏng vào dưới vòi nước hoặc vào chậu nước lạnh và sạch để giảm nhiệt độ bỏng, giảm đau, giảm phù nề, viêm nhiễm và giảm độ sâu của vết thương, hạn chế tổn thương lan rộng.

- Khi trẻ bị bỏng, nếu vùng bỏng lớn thì không nên cởi bỏ quần áo khiến trẻ bị lột da vùng bỏng. Thay vào đó, nên nhanh chóng dùng kéo cắt áo quần ra khỏi vết bỏng, tránh việc áo quần dính chặt vào vết bỏng khiến vết bỏng bị đau rát, dễ viêm nhiễm.

- Không dùng nước đá lạnh để làm mát vì có thể gây tổn thương da, không áp dụng các biện pháp truyền miệng như phun rượu, bôi kem đánh răng, lòng trắng trứng lên vết bỏng để tránh làm gia tăng tổn thương. Nếu có thuốc xịt bỏng thì nhanh chóng xịt cho trẻ.

- Dùng bằng gạc sạch hoặc vải mỏng băng nhẹ nhàng che phủ vết bỏng, không tiếp xúc trực tiếp với vết bỏng để tránh nhiễm khuẩn.

- Trong trường hợp bé hoảng loạn, cha mẹ nên động viên, trấn an bé. Nếu trẻ đau nhiều thì dùng thuốc giảm đau.

- Sau sơ cứu ban đầu, trẻ cần được đưa đến các đơn vị chuyên khoa về bỏng để điều trị kịp thời, hạn chế tối đa các biến chứng.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn