Cha mẹ cần can thiệp sớm với 4 hành động ở trẻ để tránh tác hại không đáng có

13:27 | 20/06/2022;
Khi thấy con có những biểu hiện này, cha mẹ cần dạy con khéo léo để trẻ phát triển hoàn hảo nhất.

Nhiều đứa bé từ nhỏ đã bộc lộ sự thông minh, lanh lợi khiến cha mẹ mừng rỡ và hy vọng. Tuy nhiên, thông minh thôi chưa đủ để trẻ thành công trong tương lai. Con cần phải hội tụ cả đức và tài thì mới "thành nhân".

Theo các chuyên gia Tâm lý và Nuôi dạy con cái, trẻ có 4 hành động này tuy thông minh nhưng dễ dàng mắc sai lầm khi lớn lên. Bố mẹ khi phát hiện đừng vội cấm cản, quát mắng, thay vào đó cần có biện pháp ứng xử khéo léo, tinh tế để giáo dục con tốt nhất.

Trẻ thích giả khóc

Khóc là bản năng bẩm sinh của trẻ. Con không thể cất tiếng nói ngay được để thể hiện cho bố mẹ biết con đang cần gì, muốn gì. Vì vậy con sẽ dùng tiếng khóc để truyền đạt cảm xúc của mình. Cha mẹ lắng nghe từng điệu khóc của con để phán đoán được lúc nào con đói, con buồn ngủ, con đang khó chịu...

Tuy nhiên, có những đứa trẻ đã 2-3 tuổi, thậm chí lớn hơn vẫn dùng tiếng khóc để hòng đạt được thứ chúng muốn. Khi đó, con đã nhận thức được rằng, khóc chính là vũ khí của bản thân.

Sở dĩ đứa trẻ biết dùng tiếng khóc để đạt mọi thứ chúng muốn là do cách giáo dục sai lầm của người lớn. Hễ thấy con khóc là cha mẹ "đầu hàng", đáp ứng mọi yêu cầu của con.

Phụ huynh cần chú ý để không "mắc bẫy" của trẻ. Nếu trẻ quấy khóc vì lý do sinh lý, cha mẹ cần dỗ dành kịp thời. Nhưng khi con "khóc giả", có mục đích thì phụ huynh không nên dễ dàng thỏa hiệp. Cha mẹ không quát mắng hay đánh con, bắt con ngừng khóc ngay, vì như thế nhiều lần trẻ sẽ sợ sệt. Có nỗi buồn thật sự con cũng không dám thể hiện với cha mẹ. Hãy để trẻ nín khóc dần dần, khi con ngừng khóc và bình tĩnh lại, lúc đó người lớn mới dạy bảo chúng.

Trẻ THÔNG MINH đến mấy nhưng có 4 HÀNH ĐỘNG này mai sau khó thành tài, cha mẹ nên can thiệp khéo léo để tránh tai hại không đáng có - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Trẻ quá gương mẫu

Vì sự kỳ vọng của cha mẹ, nhiều đứa trẻ ngay từ nhỏ đã phải sống theo quy tắc kỷ luật ngặt nghèo mà phụ huynh đưa ra. Có thể trong mắt người khác, đứa trẻ đó là hoàn hảo, gương mẫu, hầu như ít mắc lỗi. Tuy nhiên, hầu hết những đứa trẻ này đều buồn tẻ và sống nội tâm. Con khó bộc lộ cảm xúc cho người khác biết. Lúc nào cũng chúng cảm thấy cô đơn nhưng lại luôn mang vẻ ngoài vui vẻ, hạnh phúc.

Sau này bước ra ngoài xã hội, con dễ dàng gặp rắc rối với các mối quan hệ. Những đứa trẻ như vậy có chỉ số IQ cao nhưng trí tuệ cảm xúc EQ thấp.

Một người thành công là phải đáp ứng đủ cả IQ và EQ, 2 yếu tố này có liên quan mật thiết với nhau. Vì vậy, dù có kỳ vọng vào con đến thế nào, cha mẹ cũng đừng nghiêm khắc dạy con quá mức. Hãy để cho trẻ được sống với đúng lứa tuổi của chúng.

Con quá ỷ lại vào cha mẹ

Nhiều cha mẹ xem con cái như báu vật, chỉ muốn chúng tập trung vào việc học hành nên đã nhận làm hết mọi việc thay con. Phụ huynh tự biến mình thành "bảo mẫu toàn thời gian" của trẻ. Bất kỳ con gặp tình huống gì, cha mẹ đều tới xử lý giúp.

Những đứa trẻ lớn lên trong môi trường như vậy thường khó trưởng thành. Chúng thích sai khiến người khác hơn là tự làm. Chúng không thể chăm sóc bản thân mà phụ thuộc vào người khác. Sau này khi ra ngoài xã hội, con không thể đương đầu với các thử thách. Hoặc trở nên lười biếng khiến mọi người xung quanh cảm thấy khó chịu và không muốn ở gần.

Trẻ thảo mai, hay nói dối

Cha mẹ nào cũng vui khi con nói năng lưu loát, lém lỉnh, biết ăn nói. Tuy nhiên những đứa trẻ ngay từ nhỏ đã biết nịnh nọt người khác một cách thái quá thì cần phải xem chừng. Rất có thể khi lớn lên, con sẽ trở thành 1 người thảo mai. Đây là 1 dạng người mà ai cũng ghét. Bởi người thảo mai thường có tính cách đối lập với lời nói của họ. Họ thường dối trá, gian xảo, thậm chí là không ngại nói xấu sau lưng người khác để đạt được lợi ích của mình.

Thảo mai cũng là 1 phần trong tính cách của người hay nói dối. Sự không thành thật ở trẻ cho thấy rằng con đã phát triển nhận thức, hiểu được sự khác nhau về cảm nhận và niềm tin của mỗi người. Tuy nhiên, khi lớn lên, đứa trẻ tiếp tục nói dối thì cha mẹ nên xem xét và nghiêm cứu cư xử cho thích hợp.

Nguyên nhân lớn nhất trong hành vi nói dối của trẻ chính là sợ bố mẹ thất vọng, hoặc tệ hơn là phạt mình. Do bố mẹ quá kì vọng vào thành tích của trẻ như là điểm số, vị trí trong lớp,... nên khi không đạt được, trẻ có phản ứng nói dối để bào chữa cho kết quả của mình. Chính bố mẹ đã tạo cho con áp lực tâm lý dẫn đến hành vi nói dối không mong muốn. Bên cạnh đó, trẻ em thường có tâm lý muốn được quan tâm nhiều hơn. Chúng chọn cách nói dối để thu hút sự chú ý của mọi người. Ví dụ như "Hôm nay con đau bụng lắm!", "con mệt mẹ ơi"... mặc dù còn vẫn khỏe mạnh bình thường.

Ngoài ra, con trẻ học việc nói dối từ chính người lớn. Những thói quen xấu từ người thân đã khiến trẻ trở thành đứa "nói dối không chớp mắt".

Khi biết con nói dối, cha mẹ đừng trách phạt quá nghiêm khắc. Trước tiên người lớn hãy sống trung thực để làm gương. Sau đó hãy đưa ra một vài hình phạt nhẹ nhàng để con ghi nhớ lỗi lầm này tốt hơn.

Cuối cùng, đừng tạo quá nhiều áp lực cho con trẻ. Cha mẹ có quá nhiều kì vọng lên con trẻ vô hình chung sẽ gây ra áp lực đối với cuộc sống của trẻ.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn