Cha mẹ cần cư xử với con bằng lòng trắc ẩn và sự thấu hiểu

14:31 | 09/10/2021;
Nhiều cha mẹ coi việc trừng phạt con là biện pháp giáo dục và sử dụng rất thường xuyên. Tuy nhiên, việc đánh đập, chửi mắng, trừng phạt không giúp trẻ trở thành những người có trách nhiệm và sống có kỷ luật mà chỉ khiến đẩy trẻ ra xa cha mẹ.

Khi con phạm lỗi, khi con làm những việc không khiến bố mẹ hài lòng, nhiều bậc cha mẹ luôn trừng phạt con. Hình thức kỷ luật đơn giản nhất mà bố mẹ, ông bà thường áp dụng như úp mặt vào tường, nhốt trẻ trong phòng riêng hoặc tỏ ra lạnh lùng, mặc kệ.

Các bố mẹ nghĩ rằng, để con cái không phạm lỗi, để con cái trở nên tốt hơn thì phải khiến chúng cảm thấy tồi tệ. Cha mẹ không biết rằng, khi trừng phạt trẻ như vậy sẽ mang tới cho trẻ thông điệp rằng chúng bị bỏ mặc vào lúc chúng cần cha mẹ nhất.

Theo TS Cherry Vũ (nhà lãnh đạo tư tưởng trong lĩnh vực doanh nghiệp linh hoạt, New Zealand), khi bị đánh đòn, trừng phạt hoặc la mắng, trẻ sẽ học cách hàng động hung hăng. Cách tốt nhất để dạy con là cha mẹ cần làm gương và đối xử với con theo cách mà mình mong muốn được đối xử. Nói cách khác, cha mẹ chính là tấm gương để con học theo. Vì thế, cha mẹ cần cư xử với con bằng lòng trắc ẩn và sự thấu hiểu.

Khi con mắc lỗi, thay vì đẩy con ra xa, cha mẹ cần cố gắng tạo ra sự an toàn và kết nối để giúp con xử lý vấn đề do chúng gây ra hoặc sửa chữa những hành động không ổn. Thay vì trừng phạt để làm mất mối liên kết với con, nếu cha mẹ có thể ân cần và kết nối trong khi vẫn đặt ra các giới hạn, cha mẹ sẽ tạo ra ít vấn đề hơn và xây dựng được một gia đình ấm áp hơn. Đứa trẻ sẽ chấp nhận các giới hạn được đặt ra và có trách nhiệm hơn. Khi thấy cha mẹ điều chỉnh cảm xúc, trẻ sẽ học được cách điều chỉnh cảm xúc, sau đó là điều chỉnh hành vi của chính mình.

Tạo chỗ dựa cho con khi trẻ mắc lỗi - Ảnh 1.

Để hướng con tới những hành vi tốt mà không cần trừng phạt, cha mẹ cần điều tiết cảm xúc của bản thân.

Để hướng con tới những hành vi tốt mà không cần trừng phạt, cha mẹ cần điều tiết cảm xúc của bản thân. Cha mẹ đừng hành động nếu đang buồn hay cáu giận. Hãy hít thở sâu, yên lặng và đợi cho đến khi bình tĩnh lại, khi đó cha mẹ mới có thể giải quyết được vấn đề. Nếu không kiểm soát được cảm xúc, cha mẹ có xu hướng trừng phạt con và điều này luôn phản tác dụng.

Khi con trở nên cáu kỉnh, có thái độ không ổn, có hành vi xấu, cha mẹ đừng mắng nhiếc hay trừng phạt con. Làm như vậy, con sẽ cảm thấy mình bị tấn công và sẽ có hành vi "chống trả" hoặc "chạy trốn". Trong tình huống này, cha mẹ hãy ở bên con và thừa nhận cảm xúc của con. Đây là cơ hội để cha mẹ kết nối với con và giúp con điều chỉnh cảm xúc của mình.

Chỉ cần tạo cho con cảm giác an toàn bằng sự thấu hiểu, trẻ có thể bộc lộ và vượt qua những cảm xúc đang thúc đẩy hành vi xấu của mình. Trẻ sẽ cảm thấy tốt hơn, gần gũi với cha mẹ hơn, từ đó cởi mở, lắng nghe cha mẹ hơn.

Theo TS Cherry Vũ, nếu muốn con ngoan, hãy làm cho chúng hạnh phúc. Cha mẹ cần nhớ rằng, trẻ cư xử sai khi chúng cảm thấy tồi tệ về bản thân và mất kết nối với cha mẹ. Vì vậy, hãy tìm cách kết nối với con và duy trì sự kết nối đó. Chỉ bằng cách đó, cha mẹ mới có thể đánh thức ở trẻ mong muốn trở thành con người tốt nhất của chính mình.

Khi con có vấn đề, thay vì khó chịu và bực dọc, cha mẹ nên gần gũi con bằng cách ôm con vào lòng, hỏi những câu như: "Có vẻ như con đang rất khó chịu vì đã quên làm bài tập về nhà?" hay "Có vẻ con thấy thật bất công vì bị cô giáo phạt?".

Khi hành vi của con tồi tệ, hẳn con phải cảm thấy rất kinh khủng trong lòng. Liệu có phải do con mệt mỏi? Con thấy cô đơn? Con thấy thiếu sự kết nối? Không giải tỏa được những cảm xúc khó chịu? Cha mẹ hãy tìm ra những nguyên nhân đó, những hành vi sai trái sẽ bị loại bỏ. Xét cho cùng, "hành vi sai trái" cũng là biểu hiện của một nhu cầu chính đáng.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn