Mới đây, BV Nhi TƯ vừa có báo cáo Bộ Y tế về việc phát hiện có sự gia tăng bệnh nhân mắc Adenovirus đến khám và điều trị tại BV trong những tuần vừa qua.
Theo báo cáo, từ tháng 8/2022 đến nay, số ca bệnh Adeno dương tính phát hiện là 412 ca, nhiều hơn cả năm 2021 và tăng hơn 44,1% so với cùng kỳ, trong đó đã có 6 trường hợp bệnh nhân tử vong. Chỉ tính riêng trong tuần từ 5/9-11/9, BV viện đã ghi nhận 151 trường hợp dương tính với Adenovirus, tăng gần 2,2 lần so với tuần trước đó.
Về vấn đề này, bác sĩ Lê Kiến Ngãi, Trưởng Khoa Dự phòng và Kiểm soát - BV Nhi TƯ cho biết, bệnh do Adenovirus gây ra xuất hiện quanh năm nhưng đặc biệt phát triển mạnh vào thời điểm giao mùa Xuân - Hè hoặc Thu - Đông.
Adenovirus chia làm 7 nhóm từ A-G trong đó có hơn 50 tuýp gây bệnh ở người và có thể gây bệnh ở nhiều cơ quan trong cơ thể. Adenovirus là tác nhân virus thường gây nên tình trạng viêm ở hệ thống hô hấp với biểu hiện từ trung bình đến nặng. Cũng có một tỷ lệ rất ít Adenovirus gây bệnh ở đường tiêu hóa, gây viêm bàng quang hay viêm màng não. Bệnh thường gặp quanh năm và ở mọi lứa tuổi.
Theo bác sĩ Ngãi, ai cũng có thể là đối tượng cảm nhiễm của Adenovirus, rồi trở thành nguồn nhiễm mới, kể cả nguồn nhiễm không có triệu chứng là rất cao.
Đánh giá về số ca nhiễm Adenovirus gia tăng, bác sĩ Ngãi cho rằng, điều này phản ảnh thực trạng mầm bệnh virus Adeno đang tồn tại nhiều trong cộng đồng. Thêm vào đó, virus này có thể tồn tại trên các bề mặt nhiều ngày; khả năng lây lan của virus cũng khá dễ dàng qua "giọt bắn" và qua "tiếp xúc"; cơ hội để tạo ra đường lây đang rất phổ biến như nơi tập trung đông người, các sinh hoạt tập thể trong không gian kín, bí, lơ là vệ sinh tay, ít quan tâm đến vệ sinh bề mặt.
Trước tình hình nhiễm Adenovirus gia tăng, bác sĩ Ngãi khuyến cáo, trẻ viêm nhiễm đường hô hấp có các biểu hiện tăng nặng như mệt hơn, ăn kém, thở nhanh, khó thở… gia đình cần đưa đến cơ sở y tế để được khám, xác định căn nguyên và điều trị kịp thời.
Hơn nữa, hiện Việt Nam chưa có vaccine phòng bệnh đặc hiệu riêng cho Adenovirus. Vì vậy, việc tuân thủ các giải pháp phòng ngừa không đặc hiệu vẫn là giải pháp cơ bản. Đó là vệ sinh tay, vệ sinh bề mặt, đảm bảo môi trường thông thoáng; dinh dưỡng hợp lý; kiểm soát tốt các bệnh nền, bệnh mạn tính. Người lớn và trẻ em tiêm chủng đủ vaccine phòng bệnh đầy đủ theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn