Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trung bình mỗi năm, các bệnh viêm đường hô hấp trên như cúm, viêm mũi họng, viêm phế quản, viêm tai giữa, viêm phổi… gây ra khoảng 10 triệu ca tử vong trên toàn cầu.
Các chuyên gia Y tế cho rằng, trung bình 1 năm người trưởng thành có thể bị viêm đường hô hấp trên từ 2 - 4 lần, con số này cao hơn rất nhiều với trẻ em. Theo thống kế của Bộ Y tế nước ta, mỗi năm trẻ em có thể mắc phải bệnh này khoảng 10 lần.
Bs.Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh, BV Nhi đồng I, TP.HCM nhận định, khi thời tiết chuyển mùa, các bệnh viêm đường hô hấp trên ở trẻ em tăng cao theo chu kỳ hằng năm, đỉnh điểm vào tháng 9 - 12. Tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng, cùng với diễn biến thất thường của các chỉ số ô nhiễm không khí cũng là yếu tố nguy cơ, làm cho tỷ lệ trẻ mắc bệnh đường hô hấp ngày một tăng cao.
Hệ hô hấp của con người được tính bắt đầu từ cửa mũi trước tới các phế nang trong phổi. Đường hô hấp gồm hầu, xoang, mũi, họng và thanh quản. Chức năng của hệ hô hấp trên là lấy không khí ngoài cơ thể, làm ẩm, sưởi ấm và lọc không khí trước khi đưa vào phổi. Còn các bộ phận của đường hô hấp dưới thực hiện chức năng lọc không khí và trao đổi khí.
Viêm đường hô hấp trên là tình trạng viêm nhiễm một hoặc nhiều cơ quan của đường hô hấp trên như mũi, hầu họng. Là cơ quan tiếp xúc trực tiếp với không khí nên mọi điều kiện bất lợi của môi trường như bụi, nóng, lạnh, hơi độc, virus, vi khuẩn,.. đường hô hấp trên đều phải gánh chịu. Do đó, nguy cơ mắc bệnh viêm đường hô hấp trên chiếm tỷ lệ cao hơn so với các bệnh về hô hấp khác.
Các bác sĩ cho biết, nguyên nhân gây ra viêm đường hô hấp trên phần lớn là do các virus, liên cầu khuẩn tan huyết nhóm A, phế cầu khuẩn và một số loại nấm... Nhóm virus này gây bệnh bằng cách cư trú ở chất nhầy niêm mạc mũi họng. Sau đó xâm nhập vào tế bào niêm mạc, nhân bản rồi phá huỷ tế bào và lây lan sang tế bào bên cạnh.
Ngoài ra, bệnh phụ thuộc sức đề kháng của mỗi người, những người sức đề kháng kém, khi thời tiết thay đổi hoặc tiếp xúc với tác nhân gây viêm rất dễ nhiễm bệnh. Trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ dưới 1 tuổi, trẻ sinh non, còi xương, suy dinh dưỡng, hoặc người bị suy giảm miễn dịch rất dễ mắc bệnh viêm đường hô hấp trên. Nếu trẻ nằm ở phòng có điều hòa với nhiệt độ thấp, khiến mũi họng thường bị khô dẫn đến viêm, nguy cơ mắc bệnh càng tăng cao hơn khi thời tiết chuyển lạnh.
Viêm đường hô hấp không phải là một bệnh đơn lẻ mà là tổng hợp bệnh do bị cảm lạnh, viêm mũi, viêm họng, viêm xoang, viêm thanh quản… Do đó, triệu chứng của bệnh đường hô hấp trên thường rất đa dạng, bao gồm:
- Sốt: Sốt là triệu chứng thường gặp nhất ở trẻ em vì thân nhiệt trẻ thường cao hơn người lớn, trẻ có thể cao 39-40 độ C, kèm theo các dấu hiệu như viêm kết mạc, ngứa, đau mắt, chảy nước mắt…
- Ho: Trẻ thường ho từng cơn, ho khan, ho có đờm hoặc không đờm. Đây là triệu chứng xuất hiện trong hầu hết các bệnh viêm đường hô hấp.
- Khó thở: Đây là triệu chứng bệnh đã có dấu hiệu trở nặng, nếu không chữa trị kịp thời, bệnh có thể chuyển sang viêm đường hô hấp trên mãn tính.
- Nghẹt mũi, chảy nước mũi, đau cổ họng, mệt mỏi chán ăn. Ngoài ra, một số trẻ em bị viêm VA mãn tính có thể gặp triệu chứng đau đầu.
Bệnh viêm đường hô hấp trên chủ yếu do virus gây ra nên tất cả những phương pháp điều trị hiện nay đều là những phương pháp điều trị triệu chứng mà chưa có điều trị căn nguyên.
Đa số các trường hợp trẻ em mắc viêm đường hô hấp trên ở thể nhẹ đều được bác sĩ chỉ định chăm sóc, theo dõi và điều trị tại nhà, cụ thể các bậc phụ huynh khi chăm sóc trẻ mắc bệnh viêm đường hô hấp trên cần lưu ý những điểm sau:
- Chú ý giữ ấm cơ thể cho trẻ khi thời tiết lạnh, vệ sinh thân thể và môi trường sống sạch sẽ, tránh ở những nơi ẩm thấp để trẻ nhanh hồi phục sức khỏe.
- Cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho trẻ: Phụ huynh nên cho trẻ ăn nhiều lần trong ngày nhưng lưu ý không nên ép trẻ. Ngoài ra cần thường xuyên cho trẻ uống nước.
- Nếu trẻ ho nhiều, phụ huynh cũng có thể sử dụng một số thuốc ho thảo dược hoặc thuốc ho có sự kê toa của bác sĩ. Trong trường hợp trẻ bị nghẹt mũi có thể làm sạch mũi bằng nước muối NaCl 0,9%.
- Nếu trẻ bị sốt, thường xuyên lau mát ở các vùng trán, nách, bẹn bằng nước ấm. Trong trường hợp trẻ sốt cao trên 38 độ, nên cho trẻ dùng thuốc hạ sốt và đến gặp bác sĩ ngay nếu sốt kéo dài không hạ.
Trong trường hợp trẻ sốt cao kéo dài từ 2 ngày, không ăn uống được hoặc không bú sữa. Trẻ khó thở, thở gấp, thở rút lõm lồng ngực… cần đưa trẻ đến ngay bệnh viện để tránh gặp phải những biến chứng nguy hiểm.
Viêm đường hô hấp trên là bệnh dễ mắc và thường gặp nhất ở trẻ nhỏ, do đó các bậc phụ huynh cần lưu ý các biện pháp phòng bệnh cho trẻ như: Tiêm phòng đầy đủ, hạn chế đưa trẻ đến nơi đông người vào mùa dịch bệnh, giữ gìn vệ sinh cá nhân, cung cấp chế độ dinh dưỡng hợp lý để tăng cường sức đề kháng cho trẻ.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn