Cha mẹ 'đau đầu' khi phải đối mặt với chứng rối loạn cảm xúc của con

10:20 | 20/08/2019;
Các hội chứng rối loạn phát triển và cảm xúc như: Rối loạn phổ tự kỷ, rối loạn lo âu, stress… của con trẻ là những vấn đề mà nhiều gia đình đang phải đối mặt.
Điều kiện kinh tế và kết quả học tập tốt chưa phải là yếu tố đảm bảo để trẻ có sức khỏe tinh thần tốt. Ngày nay, những vấn đề xã hội tác động lên trẻ ngày càng lớn, sức ép về công việc khiến cha mẹ bận bịu và ít dành thời gian cho con. Các hội chứng rối loạn phát triển và cảm xúc như: Rối loạn phổ tự kỷ, rối loạn lo âu, stress… của con trẻ là những vấn đề mà nhiều gia đình đang phải đối mặt.
 

Áp lực học tập và những biểu hiện tâm lý bất thường 

Trong buổi tổng kết 6 tháng hoạt động phòng tham vấn học đường tại Marie Curie (Hà Nội), phụ huynh của một học học lớp 12 cho biết, con gái anh biểu hiện trầm cảm, rối loạn cảm xúc lưỡng cực từ năm lớp 9, gia đình dù cố gắng quan tâm hỏi han nhưng cũng không tìm ra nguyên nhân. Trước đó, em là học sinh giỏi xuất sắc nhưng đến năm học lớp 9 thì có biểu hiện chán trường, thu mình lại, tương tác với bố mẹ rất ít ăn cơm cùng gia đình, tránh né người thân và cả bố mẹ. 
 
Một phụ huynh có con đang là học sinh lớp 12 khác chia sẻ, khi con trai anh học cấp 1 trường Nam Thành Công thì rất thông minh, luôn là học sinh suất sắc. Bản thân anh là chủ tịch một tập đoàn lớn, vợ là phó giáo sư 1 trường đại học nên gia đình kỳ vọng trong môi trường khắt khe ở đây con sẽ phát triển tốt. Hết cấp 1, cháu thi vào cấp 2 vào trường Nguyễn Tất Thành. Áp lực để có kết quả tốt, khiến cháu phải học và làm bài tập nhiều hơn, do bố mẹ quá kỳ vọng vào con nên mời đã giáo viên chuyên Toán của viện Hàn lâm kèm cháu học vào các buổi tối. Khoảng một tháng sau, cháu bắt đầu có biểu hiện đăm chiêu, lo lắng, mệt mỏi, khó khăn trong giao tiếp. Trong kỳ thi vào lớp 10, gia đình đặt kỳ vọng cháu thi đạt điểm cao, khiến cháu tự tử 2 lần, nhưng rất may gia đình phát hiện kịp. Vị phụ huynh này cũng gửi gắm thông điệp đến các bậc cha mẹ rằng không nên bắt các con học quá nhiều, đừng quá kì vọng hay áp đặt con, hãy để chúng được phát triển tự nhiên và tránh dẫn đến tình trạng như con anh.
 
 
Nhiều trẻ học giỏi nhưng mắc các chứng bệnh về rối loạn cảm xúc

 

Thiếu hụt tình cảm gia đình khiến con trẻ rối nhiễu tâm lý 

Áp lực học tập khiến nhiều đứa trẻ không còn thời gian để tham gia các hoạt động giải trí lành mạnh, nhiều đứa trẻ sống trong sự thiếu hụt tình cảm tình trạng “ly hôn xanh” của các gia đình cũng là một tác nhân khiến trẻ có những rối nhiễu tâm  lý.

 

Phụ huynh của một học sinh lớp 1 chia sẻ, chị ly hôn từ khi con trai được 14 tháng tuổi. Sau đó, con chị có những biểu hiện rối loạn về mặt tâm lý như rối loạn giấc ngủ, phản ứng thiếu hụt về nhu cầu tình cảm và hình ảnh của một người cha trong gia đình. Nếu quan sát bên ngoài, nhiều người sẽ nghĩ rằng đứa trẻ hoàn toàn bình thường nhưng thực chất thì con chị liên tục phải kìm nén cảm xúc bên trong. Khi con có nhu cầu mà không được đáp ứng thì con sẽ có những hành vi phản ứng như nắm chặt tay, giận dữ và hét to. Con thường thiếu tự tin, khi đến chỗ đám đông, con khó hòa đồng với người mới, không thân thiện và không dễ dàng tiếp xúc. 

 
Các em học sinh đã tìm đến phòng tham vấn học đường để giải tỏa

 

“Đứa trẻ bằng cách này hay cách khác đều có những thiếu hụt mà không phải bố mẹ nào cũng thừa nhận là con mình đang có những tổn thương về mặt tinh thần. Với sự không thừa nhận như thế, các con không được quan tâm và đáp ứng để giải quyết vấn đề trong một thời gian dài, dẫn đến trẻ sẽ thu mình hơn. Cha mẹ luôn khẳng định rằng đã làm những thứ tốt nhất cho con rồi nhưng điều đó không đúng. Khi thiếu hụt người cha trong gia đình, con sẽ thấy thiếu tự tin. Đây là vấn đề của con tôi nói riêng và rất nhiều trẻ em nói chung” - Phụ huynh nhận định.

 

Một buổi tham vấn dành cho học sinh tiểu học
 

Cần được tham vấn kịp thời 

Một chuyên gia của phòng Tham vấn học đường, trường Marie Curie cho biết, học sinh khi bắt đầu đến trường là lúc trẻ bắt đầu có những mối quan hệ, giao tiếp ngoài gia đình. Trẻ càng lớn, tâm sinh lý càng phát triển, các mối quan hệ xã hội càng nhiều và phức tạp. Do hạn chế về hiểu biết, kinh nghiệm ứng xử nên học sinh rất dễ bị tổn thương, lúng túng trong xử lý các tình huống thường có những cảm xúc tiêu cực và những hành vi sai lệch. 

Như trường hợp của một học sinh lớp 11 mà vị chuyên gia này tham vấn, em có nhiều biểu hiện của bệnh trầm cảm, rối loạn cảm xúc lưỡng cực. Ở nhà, em thường một mình trong phòng, ít nói chuyện và ăn cơm cùng các thành viên trong gia đình. Ở trường, em ít chơi cùng các bạn, thi thoảng thường bỏ lớp học ra hành lang cầu thang ngồi.

Sau buổi làm việc với bố mẹ của em, chuyên gia tham vấn mới biết, em bị tổn thương từ rất lâu vì liên quan đến vấn đề bạo lực trong gia đình. Phòng Tham vấn đã xây dựng phác đồ trị liệu, sử dụng các phương pháp trị liệu tâm lý khác nhau như phân tâm, phóng chiếu, vẽ tranh, xem các video và trò chuyện chia sẻ.

 

Áp lực học tập và ảnh hưởng môi trường sống trong gia đình đã khiến nhiều em mắc các chứng bệnh về rối loạn cảm xúc

 

Phụ huynh của em học sinh này cũng cho biết, cháu đã chủ động tìm đến phòng tham vấn và nhờ các chuyên gia tham vấn tại trường hỗ trợ. “Thời gian này cháu phải sử dụng cả thuốc và các khóa học để duy trì cảm xúc tích cực của bản thân. Được sự giúp đỡ của nhà trường, thầy cô, bạn bè và đặc biệt là phòng tham vấn học đường của trường, cháu đã cởi mở hơn, thấy được giá trị của bản thân, nói chuyện và ăn cơm cùng bố mẹ. Mong muốn của gia đình là cháu trở thành người bình thường, kiểm soát được cảm xúc để thực hiện ước mơ du học", phụ huynh chia sẻ. 

Anh H., phụ huynh học sinh có con tham gia tham vấn cho biết, khi biết được trường khai trương phòng tham vấn thì con anh đã tự tìm đến đặt vấn đề và nhờ cô giáo nói chuyện với bố. Cậu bé từng có những phản ứng không kiềm chế được cảm xúc của bản thân, giao tiếp kém nhưng sau khi được tham vấn thì hiện tại, con trai đã thay đổi nhiều hơn, vui vẻ dễ gần và không còn thu mình như trước, con đã tham gia các trại hè và trong gia đình có nhiều tiếng cười hơn. 

Quản lý phòng Tham vấn học đường Marie Curie, chị Đỗ Trang cho biết, có những đứa trẻ chỉ có mong muốn về nhà nói một câu duy nhất là “mẹ ơi, con yêu mẹ” nhưng lại không thể thốt ra được, thậm chí cầm tay mẹ cũng không cầm được. Không phải ca nào trẻ đến tham vấn tại phòng cũng là trầm cảm, rối loạn lo âu, tự tử, nhiều em chỉ đơn giản là không thể biểu lộ tình cảm nên thiếu tự tin, thất vọng với bản thân. Theo các chuyên gia tại phòng tham vấn, những điều trẻ không làm được thì cha mẹ phải là người tạo cho con môi trường, phải là người làm trước để con có thể tự tin làm theo.
 
Trong 6 tháng qua, phòng Tham vấn học đường Marie Curie luôn kín lịch, dù thành công với một số ca nhưng cũng có ca còn bỏ ngỏ, chưa thực sự thành công, bởi đây là một công việc gia nan, phức tạp, cần có thời gian, năng lực và sự phối hợp từ nhiều phía.
 
“Trong thời gian tới chúng tôi sẽ lấy mục tiêu giúp đỡ cho các em học sinh và mong nhận được sự hỗ trợ từ phía trường, thầy cô giáo, cô giáo chủ nhiệm để nhiều đứa trẻ được tốt hơn khi ra khỏi phòng tham vấn. Các chuyên gia giàu kinh nghiệm của trung tâm sẽ đồng hành với học sinh bằng kiến thức và bề dày kinh nghiệm, bằng  lắng nghe, đối thoại. Đó cũng là cầu nối để các thầy cô phối hợp với các bậc phụ huynh học sinh cùng vào cuộc giúp các em tháo gỡ những vấn đề tâm lý. Chúng tôi sẽ làm tất cả bằng trái tim và tâm huyết để dành cho các em sự hỗ trợ tâm lý tốt nhất”, chuyên gia tham vấn cho biết.  

Trường Marie Curie phối hợp với Trung tâm Phụ nữ và Phát triển (TƯ Hội LHPNVN) xây dựng mô hình phòng Tham vấn học đường. Nơi đây có các chuyên gia tâm lý được đào tạo chuyên môn và nhiều kinh nghiệm, hỗ trợ can thiệp các khó khăn để các con hiểu mình hơn. Đối tượng tham gia tham vấn là học sinh từ lớp 1 đến lớp 12 của trường Marie Curie.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn