Cha mẹ đọc kỹ 4 thông tin này trước khi quyết định cho con dùng thịt cóc
19:10 | 06/06/2018;
Thịt cóc được xem là món ăn, vị thuốc tốt để chữa trị chứng suy dinh dưỡng ở trẻ em. Tuy nhiên, trong thực tế, sử dụng thịt cóc có nguy cơ ngộ độc thực phẩm rất cao, thậm chí tử vong nếu không cẩn thận khi chế biến.
Tại nhiều địa phương, người dân vẫn lựa chọn thịt cóc để tẩm bổ cho trẻ vì cho rằng có nhiều dinh dưỡng. Tuy nhiên, đã có nhiều người bị ngộ độc, thậm chí tử vong do ăn thịt cóc.
Mới đây nhất, hai bé tại tỉnh Hòa Bình được gia đình cho ăn thịt cóc để tẩm bổ. Tuy nhiên, sau khi ăn, cả hai bé đều bị ngộ độc, trong đó một trường hợp tử vong, một bé nguy kịch đang được cấp cứu tại BV tuyến Trung ương.
Theo các chuyên gia, cóc là động vật lưỡng cư, cư trú ở khắp nơi trên thế giới. Thịt cóc rất giàu dinh dưỡng, cao hơn thịt bò, thịt lợn, đặc biệt có nhiều axít amin cần thiết và nhiều chất vi lượng như Mangan, kẽm. Cũng vì thế, nhiều người dùng thịt cóc làm thực phẩm bổ dưỡng cho người già, hỗ trợ điều trị trẻ em suy dinh dưỡng, chậm lớn, còi xương,…
Trao đổi với PNVN về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (Viện Công nghệ thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội) cho biết, trong cơ thể cóc có rất nhiều độc tố. Trong đó, độc tố tập trung ở một số bộ phận như tuyến sau tai, tuyến trên mắt và các tuyến trên da cóc, gan và buồng trứng. Độc tố này xâm nhập vào cơ thể qua đường tiêu hóa gây ra ngộ độc cấp tính và có thể gây chết người trong thời gian rất ngắn. Ước tính lượng chất độc trong cơ thể 1 con cóc có thể gây chết cho 4 – 5 người khỏe mạnh.
Theo PSG Thịnh, khi lấy thịt cóc để làm thực phẩm phải rất cẩn thận. Chỉ lấy 2 đùi và 1 phần lưng, xương để chế biến thực phẩm, còn các bộ phận khác như ruột, trứng, gan, mật, phải bỏ đi. Tuy nhiên, nhiều người không cẩn thận hoặc lấy nhiều bộ phận khác để chế biến món ăn, dẫn đến ngộ độc.
Khi bị ngộ độc thịt cóc, bệnh nhân có các biểu hiện chướng bụng, đau bụng, nôn mửa dữ dội, có thể bị tiêu chảy, tim đập nhanh, sau đó loạn nhịp tim, chóng mặt, ảo giác, vã mồ hôi lạnh. Người bị nặng có thể khó thở, ngừng thở, ngừng tim; bí đái, thiểu niệu, vô niệu và nặng dẫn đến suy thận cấp. Nếu nhựa cóc bắn dính vào trực tiếp niêm mạc mắt xuất hiện bỏng rát, phù nề niêm mạc. “Việc nguy hiểm khi ăn thịt cóc đã được cảnh báo từ lâu, nhưng nhiều người vẫn cố ý sử dụng, dẫn đến các vụ ngộ độc đau lòng”, PGS. Thịnh nói.
PGS. Thịnh cũng cho rằng, trường hợp người dân vẫn muốn dùng thịt cóc làm thực phẩm thì không được dùng cóc tía, không ăn trứng và gan cóc. Tránh làm vỡ trứng cóc, dính và sót trứng cóc trong thịt. Ngoài ra, trong quá trình chế biến, tuyệt đối không để da cóc, nhựa cóc dính vào thịt cóc; không sử dụng các sản phẩm “bột thịt cóc” không rõ nguồn gốc, không được kiểm định để chữa suy dinh dưỡng cho trẻ vì nguy cơ bị ngộ độc rất cao. Khi phát hiện người nhà có dấu hiệu ngộ độc sớm cần gây nôn chủ động rồi chuyển bệnh nhân nhanh chóng đến cơ sở có điều kiện hồi sức cấp cứu.