Khi các con khủng hoảng, đau khổ, mất niềm tin vì áp lực học hành, bạo lực học đường, mối tình học trò tan vỡ, vì những tác động xã hội, vì không đạt được kỳ vọng của cha mẹ… Đó cũng là lúc cha mẹ lo sợ, bối rối nhất
Theo chuyên gia tư vấn tâm lý học đường Đỗ Trang, Trưởng phòng Tư vấn tâm lý học đường trường Marie Curie, học sinh thường đến tham vấn khi các con đang gặp những vấn đề về sức khoẻ tâm thần. Đó là khi cha mẹ không hiểu nhu cầu của con, khi các con chứng kiến sự xung đột, mâu thuẫn của cha mẹ, khi các con bị áp lực học tập… Hay việc các con không đạt được sự mong đợi, kỳ vọng của cha mẹ khiến các con cảm thấy mình vô giá trị.
Đặc biệt, thời gian học sinh quay trở lại trường khi nghỉ dịch Covid-19 kéo dài, các con đến tham vấn nhiều hơn. Các con cảm thấy bối rối khi không tìm được sự kết nối với bạn bè. Các con "giết" thời gian bằng việc sử dụng mạng xã hội, chơi game. Các con lo sợ cứ như vậy thì cuộc sống không có tương lai, cha mẹ không còn niềm tin với các con. Các con tìm đến phòng tư vấn vì muốn được chia sẻ, muốn được lắng nghe và muốn có người thấu hiểu.
Khác với việc các con đến phòng tham vấn học đường, theo TS-Bác sĩ Trần Thị Hồng Thu, Phó Giám đốc BV Tâm thần ban ngày Mai Hương, các con đến bệnh viện Tâm thần khi ở giai đoạn muộn. Các con đã trải qua thời gian khá dài trong trạng thái tâm lý căng thẳng, bực dọc, học hành sút kém. Các con có nhiều vấn đề về sức khoẻ như mất ngủ thời gian dài, sức khoẻ kém. Thực tế, nhiều cha mẹ "kỳ thị" với bệnh viện tâm thần, nghĩ đến nơi đó là khủng khiếp, đáng sợ, khó chấp nhận, cảm thấy xấu hổ, mất danh dự. Chỉ có những cha mẹ có góc nhìn tiến bộ, hiểu biết thì mới đưa con đến khám.
Có một thực tế mà nhiều cha mẹ không để ý, đó là đôi khi những đứa trẻ bị stress vì tình yêu và trách nhiệm dành cho bố mẹ. Chuyên gia tư vấn tâm lý học đường Đỗ Trang cho biết, nhiều bố mẹ luôn nghĩ, con cái không yêu mình, không biết những hy sinh của mình dành cho con. Thế nhưng, bố mẹ không biết rằng, khi đứa trẻ bị điểm kém, khi không đạt được kỳ vọng của bố mẹ, những đứa trẻ rất lo lắng. Chúng sợ bố mẹ buồn. Ước mơ của phần lớn những đứa trẻ là gia đình hạnh phúc, là mang niềm vui cho bố mẹ, là cả gia đình ngồi ăn cơm cùng nhau, là được bố mẹ lắng nghe câu chuyện của con.
"Hành vi con làm tổn thương bạn, con chơi game nhiều là do con đang cô đơn, con không kiểm soát được chính mình. Bố mẹ cần lắng nghe con chứ không nên phán xét con. Con không biết làm thế nào, con rất mệt mỏi, con không biết bày tỏ vì lâu rồi bố mẹ không bày tỏ với con. Con không dám chia sẻ ước mơ với bố mẹ, không dám kể với bố mẹ về nụ hôn đầu đời. Quá trình trưởng thành của con có những lúc "vắng" bố mẹ. Các con muốn học những thứ các con thiếu hụt và mong bố mẹ hiểu con. Mong bố mẹ bớt giỏi để đỡ kỳ vọng vào con, để con được quyền sai", chị Đỗ Trang chia sẻ
Bố mẹ nên là chuyên gia tâm lý, cần tìm hiểu về tâm lý của con. Khi bố mẹ quá bận rộn, nhưng cũng đừng quá coi thường những dấu hiệu, những tổn thương về tâm lý của con. "Với đứa trẻ có nhiều nguy cơ tiềm ẩn thì cần được điều trị tâm lý, cần được khám xét, sàng lọc kỹ càng. Nếu rối loạn không phải nguyên nhân về tâm lý mà là bệnh lý nội sinh như trầm cảm thì cần điều trị cho con theo phương pháp của bác sĩ", TS-Bác sĩ Trần Thị Hồng Thu cho biết.
Buổi toạ đàm "Bên con những lúc khó khăn" do Báo Phụ nữ Việt Nam tổ chức với sự tham gia của TS-Bác sĩ Trần Thị Hồng Thu- Phó Giám đốc BV Tâm thần ban ngày Mai Hương và chuyên gia tư vấn tâm lý học đường Đỗ Trang- Trưởng phòng Tư vấn tâm lý học đường trường Marie Curie sẽ phần nào giúp cha mẹ hiểu những khó khăn mà con đang gặp phải để có thể đồng hành cùng quá trình trưởng thành của con tốt nhất.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn